Tìm giải pháp giảm thiểu việc đốt rơm, rạ trên đồng ruộng tại Cẩm Xuyên
Thứ năm - 23/05/2024 00:26
Ngày 22/5/2024, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh Hà Tĩnh (Trung tâm) phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hội Nông dân huyện Cẩm Xuyên và các đơn vị liên quan tổ chức 02 cuộc Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ vi sinh vật vào sản xuất, đời sống cho cán bộ, hội viên, nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Thạc sỹ Bùi Thị Hồng Hà – Trưởng phòng Vi sinh nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Phan Văn Hùng - UVBTV, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh; các đồng chí Thường trực, BTV Hội Nông dân huyện Cẩm Xuyên; đại diện lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên; đại diện TT Đảng uỷ, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; các đồng chí Chủ tịch, PCT, UVBCH Hội Nông dân các xã, thị trấn; cùng hơn 200 hộ gia đình đăng ký thực hiện ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất tại các địa phương trên địa bàn các xã, thị trấn huyện Cẩm Xuyên.
Qua hội nghị các đại biểu đã được giảng viên chia sẽ, truyền tải các lợi ích của phát triển nông nghiệp hữu cơ, các nguyên tắc cơ bản trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các biện pháp kỹ thuật sản xuất hữu cơ được áp dụng trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi như: quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch bệnh, … Giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ phù hợp với tiềm năng, năng lực, trình độ sản xuất của người dân địa phương. Các đại biểu đã được hướng dẫn ứng dụng công nghệ vi sinh vật vào quá trình phát triển, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; cụ thể là sử dụng chế phẩm vi sinh vật giúp phân huỷ rơm, gốc rạ trực tiếp trên đồng ruộng; xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường chăn nuôi nông hộ, gắn với sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ.
Nhằm mục đích giảm thiểu việc đốt rơm, rạ trên đồng ruộng diễn ra vào đầu mỗi vụ sản xuất hè thu của hội viên, nông dân; Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân hiểu giá trị của rơm, rạ trong quá trình tuần hoàn sản xuất lúa; tác hại của việc đốt, sử dụng rơm rạ một cách hợp lý; ứng dựng quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm EMUNIV để xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng để thay thế. Thông qua các đợt tập huấn, tuyên truyền, vụ hè thu năm nay trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã có hơn 60 ha lúa hè thu quy hoạch tập trung được bà con nông dân sử dụng chế phẩm EMUNIV để xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng trong quá trình làm đất. Chế phẩm EMUNIV là kết quả 02 đề tài nghiên cứu quốc gia “Nghiên cứu phân hủy rác hữu cơ làm phân bón hữu cơ và thức ăn chăn nuôi bằng biện pháp vi sinh vật” và “Nghiên cứu bản chất vi sinh vật trong chế phẩm vi sinh EM và nghiên cứu sản xuất EM tại Việt Nam” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh đã thử nghiệm, đánh giá việc sử dụng chế phẩm EMUNIV để xử lý rơm, rạ trên đồng ruộng. Kết quả cho thấy: quy trình sử dụng chế phẩm rất đơn giản, dễ làm, linh hoạt; ruộng mô hình có sử dụng chế phầm EMUNIV có khả năng phân hủy gốc rạ tốt hơn rất nhiều so với ruộng đối chứng không xử lý (1-2 tuần là phân huỷ hoàn toàn, tuỳ nồng độ chế phẩm sử dụng); bộ rễ lúa đẹp, ăn sâu, ít rễ đen; tỷ lệ nhiễm các đối tượng sâu, bệnh ở ruộng mô hình thấp hơn hẳn; đặc biệt một số đối tượng như nghẹt rễ sinh lý, ngộ độc hữu cơ thấp hơn hẳn so với ruộng đối chứng; giảm được 20% phân bón vô cơ sử dụng; giảm các loại thuốc BVTV; năng suất lúa ổn định bằng mức cao của các địa phương.
Vụ hè thu năm nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 120 ha sản xuất lúa hè thu được Trung tâm hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân sử dụng chế phẩm EMUNIV để xử lý trực tiếp rơm, rạ trực tiếp trên đồng ruộng. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ kỹ thuật, đánh giá hiệu quả để khuyến cáo nhân rộng trong những năm tiếp theo. Cùng với đó, sẽ ứng dụng chế phẩm EMUNIV để ủ phân hữu cơ từ rác thải, xử lý chất thải chăn nuôi trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại ở một số địa phương.