Nông nghiệp vô cơ dựa vào việc sử dụng hóa chất tổng hợp và phân bón hóa học đã đóng góp rất lớn vào sản xuất lương thực để đáp ứng nhu cầu của dân số toàn cầu. Sản xuất vô cơ trong nông nghiệp là một phần quan trọng của nền nông nghiệp hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất, nâng cao sản lượng lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, nó cũng sinh ra nhiều tác hại cho con người và môi trường như: dư lượng các hóa chất và chất độc hại trong phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có thể gây hại cho sức khỏe của người lao động, người tiêu dùng như dị ứng, viêm da, các vấn đề về hô hấp, ung thư, tổn thương gan, thận, hệ thần kinh… Các chất như nitrat, amoniac, kim loại nặng có trong phân bón gây ô nhiễm nước ngầm, sông, hồ, đất đai làm ảnh hưởng đến cuộc sống cộng đồng dân cư trong vùng bị ô nhiễm. Việc sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ và hóa chất bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng xấu đến sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên, giảm sự tái tạo của đất, làm cho đất trở nên cạn kiệt, làm cho cây trồng trở nên yếu đuối và dễ bị tấn công bởi sâu, bệnh. Do đó, việc khuyến khích chuyển đổi từ nông nghiệp vô cơ sang nông nghiệp hữu cơ trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Sản xuất hữu cơ là sử dụng các phương pháp thực hành nông nghiệp bền vững, không sử dụng các hóa chất tổng hợp như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học, chất kích thích sinh trưởng, chất bảo quản hóa học,.. Thay vào đó là sử dụng các loại phân hữu cơ truyền thống như phân chuồng, phân xanh, phân rác và phân hữu cơ công nghiệp như phân vi sinh, phân sinh học; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Mục đích của sản xuất hữu cơ là tạo ra các sản phẩm nông nghiệp bằng cách sử dụng các phương pháp và hệ thống sản xuất có thể duy trì sự cân bằng với môi trường tự nhiên, hạn chế việc sử dụng hóa chất độc hại gây ô nhiễm đất, nước và không khí. Cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao hơn, ngon hơn và an toàn hơn cho người tiêu dùng. Sản xuất hữu cơ tập trung vào việc tạo ra môi trường thích hợp cho sự phát triển và sức đề kháng tự nhiên cho cây trồng, chống lại sâu, bệnh mà không cần sử dụng các hóa chất độc hại; từ đó tạo ra một môi trường nông nghiệp đa dạng, hỗ trợ sự phát triển của cây trồng.
Lợi ích của sản xuất theo hướng hữu cơ là bảo vệ đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên; duy trì và nâng cao sức khỏe của con người trong tất cả các khâu từ canh tác, chế biến, phân phối đến tiêu dùng; tăng cường sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước, đất đai và không khí; nâng cao chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch, tiểu đường,...; tăng cường sức đề kháng của con người, giúp phòng chống bệnh tật; thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Theo số liệu thống kê của Ecovia Intelligence, FiBL và IFOAM về thị trường sản phẩm hữu cơ toàn cầu (Đăng trên báo nông nghiệp hữu cơ Việt Nam ngày 17/11/2022), doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ (thực phẩm và đồ uống hữu cơ) tăng 15% lên 129 tỷ USD. Trong khi đó, thị trường sản phẩm hữu cơ vào năm 2000 chỉ đạt 18 tỷ USD. Doanh thu đã vượt mốc 100 USD vào năm 2018. Thị trường đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021 và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022.
Đáng chú ý, tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng, với 90% thị phần. Tuy nhiên, hầu hết tăng trưởng đến từ các khu vực khác, đặc biệt là châu Á. Thị trường sản phẩm hữu cơ đang trở nên quan trọng ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…
Theo khảo sát của FiBL, tổng doanh thu bán lẻ lên tới gần 121 tỷ euro vào năm 2020. Quốc gia có thị trường thực phẩm hữu cơ lớn nhất là Hoa Kỳ (49,5 tỷ euro), tiếp theo là Đức (15 tỷ euro), Pháp (12,7 tỷ euro) và Trung Quốc (10,2 tỷ euro).
Tính đến năm 2020, thế giới có hơn 74,9 triệu ha đất nông nghiệp hữu cơ. Khu vực có diện tích đất hữu cơ lớn nhất là châu Đại Dương (35,9 triệu ha - gần một nửa diện tích đất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới) và châu Âu (17,1 triệu ha). Châu Mỹ Latinh có (9,9 triệu ha), tiếp theo là châu Á (6,1 triệu ha), Bắc Mỹ (3,7 triệu ha) và châu Phi (2,1 triệu ha).
Các sản phẩm hữu cơ phổ biến nhất là: rau, ngũ cốc, sữa, thịt, trái cây. Sự phát triển của thị trường nông nghiệp hữu cơ được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với thực phẩm an toàn, sự quan tâm đến môi trường bền vững và từ sự hỗ trợ, khuyến khích của chính phủ các nước cho nông nghiệp hữu cơ
Ở Việt Nam, ngày 29/12/2017, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 (TCVN 11041-1:2017; TCVN 11041-2:2017; TCVN 11041-3:2017; TCVN 11041-4:2017) nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói riêng, góp phần tăng giá trị, chất lượng sản phẩm hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu. Ngày 29/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, Nghị định nông nghiệp hữu cơ. Ngày 23/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 885/QĐ-TTg, “Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.
Theo Tạp chí Khoa học công nghệ số ra ngày 28/12/2022, năm 2016, trên địa bàn cả nước có 53.358 ha sản xuất NNHC được chứng nhận, chiếm khoảng 0,5% diện tích đất canh tác, năm 2018, diện tích đất NNHC của Việt Nam đã lên tới 237.693 ha, chiếm 2,2% diện tích đất canh tác; tỷ lệ này còn quá nhỏ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm hữu cơ ở trong nước cũng như xuất khẩu. Để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:
1. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Tổ chức các hội thảo, tập huấn, phổ biến kiến thức về lợi ích của sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho người dân. In ấn, phát hành tài liệu, tờ rơi, áp phích tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tổ chức các chuyến tham quan học tập mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở trong và ngoài huyện.
2. Hỗ trợ về kỹ thuật và nguồn lực: Xây dựng đội ngũ cán bộ, khuyến nông viên có trình độ chuyên môn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho người dân; cung ứng giống cây trồng chất lượng cao. Khâu nối với các công ty sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để cung ứng cho người dân. Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
3. Xây dựng thương hiệu và thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ: Hỗ trợ người dân đăng ký chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của huyện; tổ chức các hội chợ, triển lãm để giới thiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của huyện đến người tiêu dùng; khuyến khích khâu nối để các doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
4. Khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Khuyến khích người dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Lễ ra mắt Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng cam hữu cơ tại thôn Tân Hoa, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn