Mô hình tiêu biểu chăn nuôi hươu và các sản phẩm chế biến từ hươu của nông dân điển hình
Thứ năm - 09/06/2022 05:36
Đó là mô hình doanh nghiệp tư nhân của chị Chu Thị Hoàng Hà ở xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn. Xuất phát từ niềm đam mê với tiềm năng và thế mạnh của nghề chăn nuôi hươu truyền thống của ông cha trên miền rừng núi huyện nhà, gia đình chị Chu Thị Hồng Hà đã gắn bó với nghề được hơn 30 năm nay.
Đầu tiên với quy mô chị chăn nuôi nhỏ lẻ, kết hợp với mua lộc nhung của các hộ khác bán cho khách hàng, dần dần gia đình anh chị tích lũy vốn, mở rộng quy mô chăn nuôi và đầu tư máy móc để chế biến sâu các sản phẩm, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường và đem lại nhiều doanh thu và lợi nhuận hơn. Năm 2015 gia đình chị thành lập doanh nghiệp tư nhân Thuận Hà.
Hình ảnh trại chăn nuôi hươu được đầu tư khang trang, sạch đẹp là 1 điểm nhấn để thu hút khách thăm quan.
Đến nay với quy mô chăn nuôi gần 100 con hươu, trong đó tại trang trại của doanh nghiệp có hơn 60 con hươu, số còn lại là chị liên kết với bà con nông dân theo hình thức chị mua con giống cung cấp cho người nuôi, đến khi có lộc nhung thì chia đôi giá trị sản phẩm, hoặc nếu góp 1 nữa vốn thì khi bán lộc nhung người chăn nuôi được 2 phần giá trị, chị được 1 phần.
Ngoài sản phẩm nhung hươu tươi, thịt hươu, đế hươu, các sản phẩm chế biến sâu tại doanh nghiệp gồm: nhung hươu khô tán bột, nhung hươu tươi thái lát, cao xương và các sản phẩm rượu nhung hươu. Trong đó có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Nhung hươu khô tán bột, nhung hươu thái lát và rượu nhung hươu. Cơ sở sản xuất và trại nuôi hươu được đặt gần khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông (xã Sơn Trung), đây là điều kiện thuận lợi để bán hàng cho các đoàn tham quan du lịch. Doanh nghiệp hiện sử dụng 5 lao động, bình quân với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm tiêu thụ khoảng 1,5 tấn nhung hươu, doanh thu đem về hơn 20 tỷ đồng, lợi nhuận thu về gần 2 tỷ đồng.
Rượu được đem hạ thổ 6 tháng rồi mới ra thành phẩm cuối cùng đảm bảo chất lượng
Tại nơi sản xuất các sản phẩm, chúng tôi được nghe chị kể về quy trình sản xuất các sản phẩm OCOP. Đối với sản phẩm rượu nhung hươu, chị cho biết là sản phẩm được nấu hoàn toàn bằng nếp lứt, nếp được ngâm ủ trên 20 ngày rồi đem vào nồi nấu với 6 tầng lọc, cho sản phẩm rượu chất lượng thơm ngon, sau đó được đem đi khử anđêhit cho sản phẩm rượu đạt chất lượng 40 độ, rồi đem hạ thổ trong các lu chứa trong thời gian 6 tháng mới ra sản phẩm cuối cùng. Với sự kỳ công trong khâu chế biến, sản phẩm rượu nhung hươu của doanh nghiệp được khách hàng ưa chuộng, chất lượng thơm ngon, êm dịu. Với các sản phẩm khác như nhung hươu khô tán bột, nhung hươu thái lát cũng được chế biến bằng máy, nên luôn đảm bảo chất lượng, có nhiều tác dụng bồi bổ sức khỏe cho con người, tăng cường sức đề kháng, cải thiện sinh lý, hỗ trợ trẻ biếng ăn suy dinh dưỡng... đặc biệt chị cho biết đối với người bị Covid -19 thì dùng các sản phẩm nhung hươu rất tốt, giúp phục hồi sức khỏe rất nhanh. Tận dụng phụ phẩm hèm rượu, chị nuôi thêm lợn rừng, cho thu nhập khá mỗi năm trên trên 200 triệu đồng.
Các sản phẩm trưng bày
Là mô hình sản xuất sản phẩm thế mạnh của nghề chăn nuôi hươu truyền thống huyện Hương Sơn, sản phẩm của doanh nghiệp được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành và các cửa hàng sản phẩm OCOP, nhiều năm liền là hộ sản xuất kinh giỏi cấp tỉnh.