Từng có nhiều năm gắn bó với Công ty CP Khoáng sản Manggan (Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) tại xã Phú Lộc rồi xuất khẩu lao động sang Malaysia tìm kiếm cơ hội làm giàu, cuối cùng, năm 2007, anh Nguyễn Sỹ Quan Thắng (SN 1983, trú thôn Hồng Sơn, xã Phú Lộc) vẫn quyết định trở về quê lập nghiệp.
Năm 2019, Thắng tìm đến người bà con ở xã Nghi Kiều (Nghi Lộc - Nghệ An) để tìm hiểu kinh nghiệm nuôi gà liên kết. Ban đầu, người “tay ngang” như anh gặp không ít khó khăn nhưng nhờ chăm chỉ học hỏi nên anh đã sớm tích lũy được kinh nghiệm cho mình.
Anh Thắng lắp đặt hệ thống làm mát để đảm bảo nhiệt độ luôn ở mức 29 độ C trong mùa hè.
Bắt tay thực hiện giấc mơ làm giàu trên quê hương, Thắng mạnh dạn "cầm" bìa đỏ của gia đình để vay số tiền 2 tỷ đồng đầu tư xây dựng 2 trại gà quy mô 9.000 con trên diện tích 750 m2/trại. “Ban đầu cũng lo lắm, nhiều người bảo tôi "chơi ngông", ném tiền qua cửa sổ” - anh Thắng tâm sự.
Nhưng quyết là làm, sau khi xây dựng xong 2 trại gà, anh Thắng nhập gà giống 1 ngày tuổi của Công ty Japfa Việt Nam (công ty liên doanh với Ấn Độ có trú sở tại Hà Nội) về nuôi gia công.
Theo anh Thắng, nuôi gà hình thức này ưu điểm lớn nhất là giống, thức ăn, kỹ thuật thú y và tiêu thụ sản phẩm đều do công ty đảm nhận. Đặc biệt, đối với gà giống, thời kỳ đầu rất khó nuôi nên nếu bị chết (trong 7 ngày đầu thả nuôi) sẽ được công ty bù lại. Quá trình nuôi nếu phát hiện gà có những biểu hiện bất thường, công ty sẽ cử nhân viên thú y hỗ trợ nên người nông dân có thể yên tâm.
Đáng mừng nhất là sản phẩm được công ty bao tiêu, kể cả những thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gà nuôi tại trang trại của Thắng vẫn tiêu thụ bình thường.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Can Lộc tham quan trại gà vừa được anh Thắng xuất bán, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ chuẩn bị nuôi lứa mới.
Để chăn nuôi an toàn, phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia cầm, anh Thắng còn đầu tư hệ thống làm mát; lắp hàng trăm bóng đèn điện giữ ấm trong mùa đông để đảm bảo nhiệt độ luôn ổn định trong trại nuôi.
Cùng đó, anh tuân thủ quy trình kỹ thuật, ngoài việc tiêm phòng 6 đợt/lứa nuôi, chuồng trại phải ở nơi yên tĩnh (không có tiếng ồn), phải sạch sẽ, thoáng mát, nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức 29 độ C.
2 trang trại gà của anh Thắng tại thôn Hồng Sơn, xã Phú Lộc.
Trong quá trình nuôi, chuồng trại thường xuyên được rải một lượng vỏ trấu vừa đảm bảo độ ẩm, hút mùi. Đây cũng là chất phụ gia để cùng với phân gà làm phân bón hữu cơ rất hiệu quả. Thế nên dù nuôi với tổng đàn lớn nhưng trại gà của Nguyễn Sỹ Quan Thắng vẫn sạch sẽ, không có mùi khó chịu. Mỗi năm, 2 trại gà cung cấp khoảng 3.000 bao phân bón cho không chỉ bà con xã Phú Lộc mà còn có các địa phương lân cận khác trong huyện Can Lộc.
Theo tính toán của anh Thắng, mỗi năm, anh nuôi 3 lứa, mỗi lứa 16.000 con gà thương phẩm đạt trung bình 2,25 kg/con (gà mái và gà trống). Trừ tất cả chi phí, thu nhập của gia đình mỗi năm cũng đạt 380 triệu đồng.
Nuôi gà gia công mất không nhiều công sức (chỉ cần 2-3 lao động), thời gian, không lo đầu vào, đầu ra, nhưng đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên quan tâm theo dõi để phát hiện ra những biểu hiện bất thường về sức khỏe vật nuôi, từ đó điều chỉnh cho phù hợp. Nói về dự định thời gian tới, anh Thắng cho biết, sẽ mở thêm 1 trại gà khoảng 8.000 - 10.000 con nữa.
Anh Nguyễn Sỹ Quan Thắng (bên trái) chia sẻ với Chủ tịch Hội Nông dân huyện Can Lộc Nguyễn Hữu Hài về hiệu quả của việc chăn nuôi liên kết.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Can Lộc Nguyễn Hữu Hài cho biết: Mô hình của anh Thắng có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo thêm việc làm cho người lao động mà còn sản xuất ra rất nhiều phân bón hữu cơ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch trên địa bàn. Đây cũng là mô hình kinh tế rất đáng được nhân rộng trên địa bàn huyện Can Lộc.
Nguồn tin: baohatinh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn