Ông sinh năm 1967, trong một gia đình làm nghề mộc, lớn lên tại làng Bến Đền, xã Trường Sơn. Đây là ngôi làng có nghề đóng thuyền truyền thống hàng trăm năm nay, vì thế ông có niềm đam mê với nghề mộc từ nhỏ. Tuy nhiên, làng nghề truyền thống đóng thuyền gỗ bị mai một dần, do nhu cầu của thị trường (chủ yếu là ngư dân) lựa chọn thuyền gỗ ít dần đi, vì thế ông Minh cùng với nhiều thợ đóng thuyền của làng Bến Đền, xã Trường Sơn phải chuyển sang làm các công việc khác để mưu sinh.
Tình cờ khoảng năm 2002, có một vị khách từ Hà Nội về thăm làng nghề mộc tìm thợ giỏi và mua gỗ mít để làm nhà thờ. Lúc này cây mít ở những làng xung quanh còn khá nhiều, nên dễ mua. Từ công trình nhà thờ bằng gỗ mít đầu tiên cho vị khách Hà Nội được đánh giá cao, ông Minh quyết định trở lại với nghề mộc truyền thống của gia đình bằng việc nhận thi công các công trình bằng gỗ mít (nhà thờ hoặc nhà ở). Năm 2008, được sự giúp đỡ của địa phương, gia đình ông xây dựng xưởng sản xuất mộc dân dụng với quy mô 500 m2, chuyên sản xuất sản phẩm chủ yếu từ gỗ mít, với số vốn đầu tư 2 tỷ đồng. Đồng thời mời gọi 8 tay thợ lành nghề nhất trong vùng về làm tại xưởng mộc của ông. Dưới những tay thợ tài hoa, khéo léo, những sản phẩm từ cây gỗ mít được chạm trổ đẹp mắt ra đời. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm của ông không chỉ được khách hàng trong huyện, trong tỉnh tìm đến mua, đặt hàng; mà nhiều khách hàng ngoài tỉnh như Nghệ An, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cũng tìm đến đặt hàng. Từ đây số thợ làm cũng như doanh thu tăng dần, cũng từ đó người quanh vùng đặt cho ông thương hiệu “Minh Mít”.
Năm 2013, xã Trường Sơn thành lập Cụm tiểu thủ công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện và hỗ trợ để các hộ sản xuất, kinh doanh nghề mộc tập trung về Cụm tiểu thủ công nghiệp; từ đó cơ sở sản xuất của ông Minh chuyển về vị trí mới với diện tích gần 2000 m2. Mấy năm đầu chuyển đến cơ sở sản xuất mới, gia đình ông đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn để đầu tư làm nhà xưởng, máy móc hiện đại, gỗ mít quanh vùng cũng khan hiếm, đắt đỏ dần... Có lúc bản thân ông và những người trong gia đình tưởng không thể duy trì sản xuất được nữa. Giữa lúc đó, gia đình ông được Hội Nông dân xã hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT huyện, khó khăn về vốn được khắc phục, cơ sở sản xuất của gia đình tiếp tục được duy trì và phát triển.
Ông Nguyễn Văn Minh (người ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu về cây gỗ mít)
Các sản phẩm của gia đình ông ngày càng được nhiều người tin tưởng lựa chọn, đặc biệt là các công trình nhà gỗ mít (nhà ở, nhà thờ), mỗi năm nhận thi công khoảng từ 15 - 20 công trình lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Vì thế năm 2015 gia đình ông tiếp tục mua thêm máy móc, tuyển thêm thợ vào làm. Hiệu quả kinh tế ngày càng tăng: năm 2017, tổng vốn đầu tư 3,650 tỷ đồng, lợi nhuận thu được 850 triệu đồng; đến năm 2021, tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ đồng, lợi nhuận thu được 3,38 tỷ đồng… Hiện nay cơ sở sản xuất của ông có hơn 20 thợ và công nhân thường xuyên làm việc, ngoài ra có 15 lao động khi cần.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông luôn quan tâm tới các hoạt động trong thôn do các đoàn thể tổ chức. Hàng năm gia đình ông tích cực đóng góp ủng hộ các loại quỹ, các hoạt động “tương thân tương ái”, “uống nước nhớ nguồn”, giúp đỡ một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương (mỗi năm gia đình ông ủng hộ khoảng từ 35 - 65 triệu đồng xây dựng công trình phúc lợi xã hội tại địa phương, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn). Năm 2018, khi Hội Nông dân xã Trường Sơn thành lập Chi hội nghề nghiệp Sản xuất đồ mộc, ông được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng. Trên cương vị này, ông luôn cố gắng vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của gia đình, vừa hỗ trợ cho hội viên trong chi hội về dự báo tình hình giá cả thị trường, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật đục, chạm, tìm thị trường và bao tiêu sản phẩm đầu ra, nhằm tạo điều kiện để các hội viên của chi hội cùng phát triển.
Gia đình ông được công nhận là mô hình kiểu mẫu về phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều năm được Hội Nông dân tỉnh, huyện Đức Thọ và xã Trường Sơn tặng bằng khen, giấy khen; được vinh danh là điển hình trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Đặc biệt, ông được tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023” của tỉnh Hà Tĩnh (tổ chức tối ngày 13/10/2023 tại Hà Nội)
Ông cho biết, để cơ sở sản xuất của gia đình duy trì và phát triển được như hôm nay, trước hết là nhờ có chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình của Đảng, tạo điều kiện và khuyến khích phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với xây dựng nông thôn mới của địa phương, cùng với sự quan tâm của tổ chức Hội Nông dân, đã hướng dẫn để bản thân ông cũng như các hội viên trong chi hội được tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân.