Nông dân xã Thanh Lộc thu gom rơm bằng máy đem lại thu nhập cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Thứ hai - 06/05/2024 00:24
Những năm qua nông dân xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp như đầu tư mua máy gặt đập liên hợp, máy cấy, máy làm đất 4 bánh... Nắm bắt nhu cầu sử dụng rơm, rạ trong trồng trọt, chăn nuôi ngày càng tăng và nhận thức việc đốt rơm trên đồng đã gây ra nhiều hệ lụy về ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái đồng ruộng, lãng phí nguồn nguyên liệu để tái sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là việc nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương; anh Nguyễn Văn Thọ - hội viên Hội Nông dân thôn Hòa Bình đã đầu tư máy cuốn rơm phục vụ bà con trên địa bàn và các xã lân cận.Mỗi cuộn rơm hoàn thành trung bình chỉ trong thời gian từ 40 - 45 giây. Công suất thu gom rơm đạt từ 50 - 70 cuộn/giờ (tùy thuộc vào trữ lượng rơm, tính hoạt động liên tục của máy). Được biết, mỗi héc-ta thu được hơn 100 cuộn rơm, mỗi vụ 1 máy ước cuốn được 10.000 cuộn rơm. Mỗi cuộn rơm có trọng lượng từ 10 - 20kg/cuộn. Anh Thọ cho biết: giá cuốn rơm tùy theo nhu cầu của người dân, cuốn tại ruộng 10.000 – 13.000đ/cuộn, nếu cả cuốn và đưa lên tại đường thì mỗi cuộn có giá 15.000 – 20.000đ, còn nếu người dân muốn thương lái chở về tận nhà thì mỗi cuộn có giá từ 25.000 – 30.000đ tùy thuộc vào khoảng cách địa lý. Trừ chi phí vật tư, nhiên liệu và khấu hao máy, mỗi vụ trung bình anh thu về từ 70 - 80 triệu đồng/vụCó thể thấy, ngoài lợi ích kinh tế, việc thu gom rơm còn hạn chế ô nhiễm môi trường, rơm rạ được thu gom để sử dụng trong chăn nuôi, làm nấm, che phủ đất để trồng cây, chế biến phân hữu cơ, giảm lượng rơm phơi trên đường, làm cho đường làng ngõ xóm sạch hơn... Đặc biệt, việc đưa máy cuốn rơm vào sản xuất cũng là hình thức tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị thu hoạch trên diện tích canh tác, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.