1. Về thời tiết: Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh về thời tiết vụ hè thu 2023 như sau: Từ tháng 7 đến tháng 9/2023, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ (khoảng 4-5 cơn bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông), trong đó có khả năng ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến khu vực Hà Tĩnh 01 đến 02 cơn. Từ tháng 7-8/2023 nắng nóng tiếp tục xảy ra, cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Sau đó nắng nóng có xu hướng giảm cường độ trong tháng 9/2023 với số đợt nắng nóng xảy ra ít ngày hơn. Khả năng năm nay nắng nóng kết thúc muộn và trong tháng 10/2023 nền nhiệt độ ở mức cao, một vài nơi vẫn còn có khả năng nhiệt độ đạt đến ngưỡng nắng nóng. Từ tháng 7 đến tháng 9/2023 tổng lượng mưa có xu hướng thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 5 đến 10%.
Năm 2023 ngành nông nghiệp đề ra các chỉ tiêu: diện tích lúa hè thu đạt 44.891 ha, năng suất 51 tạ/ha, sản lượng 228.763 tấn; diện tích sản xuất lúa mùa 430 ha, năng suất 23,5 tạ/ha, sản lượng 1010 tấn; diện tích đậu 2.640 ha, năng suất 10,8 tạ/ha, sản lượng 2.850 tấn; diện tích ngô lấy hạt 2.240 ha, năng suất 43,9 tạ/ha, sản lượng 9.840 tấn...
2. Cơ cấu các giống: Sử dụng nhóm giống có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày, các giống đã thích ứng diện rộng và ổn định trong sản xuất qua các năm gần đây gồm: Khang dân 18, Khang dân đột biến, Bắc Thịnh, BT09, Nếp 98, Thiên ưu 8, BQ, HT1, PC6, TH3-3, TH3-5, Xuân Mai, RVT, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111.
Các giống có triển vọng trong vụ Hè Thu tiếp tục đưa vào sản xuất quy mô phù hợp với từng địa phương: Hà Phát 3, ND502, HD11, VNR10, HN6, ADI 168, ADI28, LP5, QP5, DT80, Nếp Hương, Hương Thanh 8, Hương Bình, Lai thơm 6, Hana số 7, MHC2, DT39, ĐB6, ĐT37, SV181.
Các giống có thời gian sinh trưởng 105 - 110 ngày tiến hành bắc mạ để cấy. Đối với nhóm giống có thời gian sinh trưởng 100 - 110 ngày: thời vụ bắc mạ từ 20-25/5; đối với nhóm giống có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày: thời gian bắc mạ và gieo thẳng từ 25/5 - 10/6.
3. Kỹ thuật canh tác: Bà con nông dân cần tuân thủ quy trình thâm canh của từng giống, trong đó cần lưu ý một số nội dung trọng tâm sau:
- Thu hoạch lúa xuân nhanh gọn, dọn sạch rơm rạ và phụ phẩm trên ruộng. Những vùng thấp trũng làm hè thu chạy lụt cần gieo cấy sớm tận dụng triệt để nguồn nước sẵn có trên đồng ruộng khi thu hoạch lúa xuân và điều tiết, sử dụng nước hợp lý để phục vụ gieo cấy lúa hè thu theo đúng khung lịch thời vụ. Tiến hành bắc mạ góc ruộng đối với những vùng sử dụng giống có thời gian sinh trưởng 105 - 110 ngày và những vùng thu hoạch lúa xuân sau 25/5.
- Trong vụ hè thu, thực hiện nguyên tắc bón “nặng đầu, nhẹ cuối”, cân đối giữa phân đa lượng với nhóm vi lượng; khuyến khích sử dụng phân tổng hợp NPK chuyên dụng, hạn chế sử dụng phân đơn, kết hợp bổ sung phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh để bồi dục đất canh tác. Trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao tuyên truyền hướng dẫn người dân chủ động sản xuất phân hữu cơ từ các phụ phẩm nông nghiệp, cây phân xanh để bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng và bồi dục đất sản xuất (nên áp dụng kỹ thuật “xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng vi sinh” đã được giới thiệu tại Hội thảo đầu bờ và truyền thông cấp huyện Mô hình trình diễn áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường do Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chiều ngày 16/5/2023, tại hội trường xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà).
Phương châm chỉ đạo là thu hoạch lúa vụ xuân đến đâu tổ chức gieo, cấy lúa hè thu tới đó. Phấn đấu gieo cấy kết thúc trước 10/6 để lúa trổ tập trung vào tiết Lập Thu từ 5-10/8, kết thúc thu hoạch trước 15/9. Đối với một số địa phương như: vùng ngoài đê Đức Thọ, vùng hạ Hương Sơn, Bắc Hồng Lĩnh, Nghi Xuân,... bố trí gieo cấy các giống có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày để kịp thu hoạch trước 30/8/2023.