Đất lúa cần được thường xuyên bồi bổ mùn hữu cơ và các vi sinh vật có lợi, khôi phục trạng thái màu mỡ sau thời gian bị tác động bởi phân, thuốc hóa học. Để giải quyết yêu cầu này, rơm rạ chính là nguồn hữu cơ rất tốt để cung cấp trở lại nguồn hữu cơ cho đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch lúa. Chế phẩm vi sinh vật Emuniv do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu sản xuất hiện nay là giải pháp giúp xử lý nhanh rất hữu hiệu rơm rạ trên đồng ruộng.
Đốt rơm rạ là tập quán xấu làm thoái hóa đất canh tác
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại Hà Tĩnh nhan nhản hình ảnh đốt rơm rạ trên đồng. Nhiều câu hỏi đặt ra về mối nguy hiểm này bởi ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, an toàn lưới điện do đốt rơm rạ trên đồng gây ra.
Ảnh: Thực trạng đốt đồng hiện nay vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi
Anh Nguyễn Bá Đạt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà chia sẻ, trước đây anh cũng như nhiều nông dân trong xã thường gom rơm lại đem bán, dự trữ nguồn thức ăn cho trâu bò hoặc gom về tấp ủ trong vườn, nhưng hiện nay chăn nuôi ngày càng ít, bán thì thu nhập không đáng kể, lại tốn công. Vì thế, bà con chọn phương pháp đốt rơm, với lại sau vụ đông xuân để kịp sản xuất hè thu, đa số nông dân thường đốt rơm rạ cho nhanh, nhưng họ không nghĩ cách làm này làm mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.
Theo anh Đạt, sau mỗi vụ canh tác, cứ mỗi ha là mấy tấn rơm rạ đem đốt bỏ đi như vậy, không chỉ ảnh hưởng môi trường, mà đốt rơm rạ gây lãng phí quá lớn. Chính trăn trở này lâu nay Hội Nông dân cũng mong mốn tìm một hướng đi khác cho vấn đề xử lý rơm rạ trên đồng ruộng làm sao cho hiệu quả. Rất kip thời, sau thu hoạch vụ đông xuân, có cán bộ Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh về trực tiếp hướng dẫn cách xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh emuniv do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (thuộc Học viện nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu sản xuất, vừa hiệu quả, dễ làm lại góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Bà con nông dân cần nắm rõ việc đốt rơm rạ sẽ góp phần tiêu diệt mầm bệnh hay côn trùng gây hại còn lưu tồn trên ruộng lúa ở vụ trước. Tuy nhiên, nó cũng giết luôn những nhóm vi sinh vật và thiên địch có lợi.
Hơn nữa, việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất lúa gạo nói riêng và trồng trọt nói chung còn làm cho chất lượng dinh dưỡng của hạt gạo ngày càng suy giảm, kéo theo hệ lụy suy giảm sức khỏe cộng đồng, chất lượng đất trồng lúa nhiều nơi không còn đủ an toàn cho phát triển trồng lúa.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện khá đa dạng các loại sản phẩm vi sinh có tác dụng phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng. Thực tế, do sử dụng nhiều loại men vi sinh chưa đáp ứng tốt yêu cầu xử lý rơm rạ đã dẫn đến tâm lý e ngại áp dụng giải pháp này, khiến bà con lại tiếp tục quay trở lại với cách làm cũ là đốt rơm rạ. Đây là vấn đề được rất nhiều nhà khoa học quan tâm.
Năm 2018, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành chọn lựa công nghệ và nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm, triển khai nhân rộng phương pháp mới xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm vi sinh vật Emuniv.
Mô hình đã và đang được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước như Thanh Hóa, Hà Nội, Thái Nguyên... Tại Hà Tĩnh, Trung tâm Hỗ trợ nông dân- Hội Nông dân tỉnh đang phối hợp Hội Nông dân cơ sở thực hiện hiệu quả giải pháp xử lý rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm vi sinh Emuniv tại một số xã trên địa bàn tỉnh như Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc…..
Ảnh: Cán bộ Trung tâm hướng dẫn bà con nông dân sử dụng men vi sinh Emuniv tại xã Cẩm Thạch.
Với những cải tiến mới, chế phẩm phù hợp với đất lúa, với việc áp dụng chế phẩm vi sinh Emuniv, vấn đề xử lý nhanh rơm rạ đã được giải quyết, vừa kết hợp làm đất vừa xử lý bằng chế phẩm trực tiếp tại ruộng không chần thời gian chờ. Đây là điểm khác biệt và chưa có dòng vi sinh vật nào trên thị trường có thể đáp ứng được. Đặc biệt, sau vụ đông xuân, bà con nông dân cần xử lý triệt để mầm bệnh trong đất, thông qua xử lý rơm rạ, không những vậy, ruộng lúa nếu được cải tạo tốt sẽ tạo điều kiện cho cây lúa vụ hè thu có điều kiện sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất, chất lượng lúa. Emuniv là chế phẩm của Đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu tái sử dụng rác thải hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ bằng công nghệ vi sinh vật" và Đề tài khoa học đặc biệt “Nghiên cứu bản chất vi sinh vật trong chế phẩm EM và nghiên cứu sản xuất EM tại Việt Nam”.
Với thời gian quá gấp liền kề giữa 02 vụ lúa, việc bổ sung vi sinh từ chế phẩm Emuniv giúp phân hủy nhanh rơm rạ, tạo thành phân bón hữu cơ, giảm được tác nhân gây bệnh vàng lá nghẹt rễ sinh lý, bộ rễ lúa phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Đồng thời, đất được bổ sung hệ vi sinh hữu ích giúp ức chế vi sinh vật gây hại, giảm hẳn tác nhân gây bệnh từ đất.
Giải pháp hữu hiệu, dễ làm, chi phí thấp
Thực trạng đồng ruộng hiện nay nông dân canh tác lúa sử dụng nhiều loại phân bón hóa học, khiến đất bị chai. Theo thời gian, mỗi năm bà con nông dân bón thêm phân hóa học, đất bị chua dần khiến các loài vi sinh vật có ích trong đất bị tiêu hủy dần. Để cải tạo cho đất quay lại đúng trạng thái ban đầu, việc bổ sung hữu cơ như rơm rạ kết hợp sử dụng men vi sinh để tác động vào hệ thống sinh lý của cây lúa là rất cần thiết.
Sử dụng men vi sinh để xử lý rơm rạ là chính giải pháp hữu hiệu, dễ làm và chi phí thấp, giúp nông dân khôi phục lại tình trạng màu mỡ của đất bằng cách giữ lại rơm rạ, đừng để rơm rạ bị mất đi.
Cách phối trộn sản phẩm đơn giản. Đối với các vùng trên địa bàn Hà Tĩnh, bà con nông dân chỉ cần trộn đều 1 gói chế phẩm Emuniv 500g với phân chuồng hoai mục hoặc với đất bột tán nhỏ, sau đó làm ẩm nhẹ để tránh bay mất chế phẩm trong quá trình bón. Lượng phân hoặc đất trộn mục đích để làm tăng lượng chế phẩm bón cho đều mặt ruộng. Sau 1-2 ngày tiến hành xới xáo đất để chế phẩm được ủ trong đất. Tốt nhất là cày úp toàn bộ mặt ruộng 2-3 ngày sau đó mới tiếp tục làm mịn đất để gieo. Lưu ý chế phẩm phải được bón đều khắp mặt ruộng, sau khi bón chế phẩm tuyệt đối không tháo nước làm trôi chế phẩm, để kịp thời vụ bà con nông dân có thể bón liền cày xáo liền để gieo cấy vẫn được, không sử dung chung chế phẩm với các loại hóa chất khác như vôi bột, thuốc BTTV.