Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội là đẩy mạnh Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững (sau đây gọi tắt là phong trào), gắn với xây dựng nông thôn mới. Ban Thường vụ Hội Nông dân xã xác định, mục tiêu của Phong trào là nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân, làm nền tảng vững chắc cho xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, hàng năm Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ngành, các cấp, huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện phong trào; như phối hợp với ngân hàng tín chấp cho vay vốn, phối hợp với các trung tâm tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật; phối hợp với Hội Nông dân huyện cung ứng phân bón trả chậm để nhân dân sản xuất kịp thời vụ, đồng thời sử dụng nguồn phân bón đảm bảo chất lượng… Từ đó, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình thi đua, đảm bảo ngày càng thiết thực, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân; có nhiều sáng tạo trong việc phát động, triển khai, tổ chức thực hiện phong trào thi đua; gắn phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi với thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp hàng hoá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra. Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất các sản phẩm đặc trưng, đặc sản để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương bán cho khách đi du lịch tâm linh tại đền Chợ Củi; tham mưu, tư vấn xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm, hình hành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (đến nay có 2 sản phẩm kẹo cu đơ được công nhận 3 sao, hiện đang tiếp tục đề xuất ý tưởng và hoàn thiện hồ sơ xây dựng thêm sản phẩm Bbnh đa đạt OCOP trong năm 2022).
Nhận thấy tiềm năng kinh doanh tại Khu Di tích đền Chợ Củi hàng năm đón hàng vạn lượt du khách, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND, khảo sát, hướng dẫn người dân mở các nhà hàng ăn uống và các ki ốt phục vụ khách tham quan du lịch dọc Quốc lộ 1A và Khu Di tích đền Chợ Củi (hiện nay trên địa bàn xã có 15 nhà hàng lớn nhỏ, hơn 50 ki ốt phục khách hành hương tại đền).
Đối với lĩnh vực trồng trọt, xã có 775 ha đất nông nghiệp chủ yếu sản xuất lúa, dưa đỏ, dưa lê, khoai lang và rau màu các loại. Ban Thường vụ Hội Nông dân xã tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân dồn vùng đổi thửa, chuyển đổi từ ô thửa nhỏ thành ô thử lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn 1- 2 loại giống mới năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất (hiện nay trên địa bàn đã hoàn thành các xứ đồng tập trung sản xuất 1 đến 2 loại giống), xây dựng cánh đồng mẫu, sử dụng máy bay không người lái phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông cho lúa. Hội tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương của UBND huyện về việc xây dựng các mô hình đưa vườn ra đồng. Trước đây một số cây trồng có giá trị kinh tế chỉ trồng trồng vườn với diện tích nhỏ, nay đưa ra sản xuất ngoài đồng bãi bồi ven sông Lam, mang lại giá trị và năng suất cao hơn nhiều lần.
Người dân xã Xuân Hồng hầu hết sinh sống dưới ven chân núi Hồng Lĩnh, có diện tích đất vườn rộng. Xác định đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế vườn, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới huyện hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ các hộ xây dựng vườn mẫu. Đến nay trên địa bàn xã đã xây dựng thành công 39 vườn cho thu nhập ổn định và hiệu quả kinh tế cao, 90% các hộ có vườn tổ chức sản xuất hết hiện tích, năm 2022 đăng ký xây dựng thêm 12 vườn mẫu.
Xuân Hồng có diện tích đất tự nhiên khá rộng, thích hợp cho việc chăn nuôi trâu, bò. Để tạo điều kiện cho các hộ giúp nhau trong phát triển chăn nuôi, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã vận động, hướng dẫn các hộ thành lập Tổ hợp tác Chăn nuôi trâu, bò. Ngoài ra còn vận động, hướng dẫn các hộ thành lập Tổ hợp tác Máy gặt đập liên hoàn, Tổ hợp tác Sản xuất lưới đánh cá, Tổ hợp tác Ấp trứng vịt lộn, Tổ hợp tác Chăn nuôi cá, vịt...
Xuân Hồng được thiên nhiên ban tặng cho nguồn lợi con rươi, con cáy có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên trước đây người dân chủ yếu săn bắt theo phương pháp truyền thống, không biết quy hoạch thành vùng để bảo vệ, nên hiệu quả thấp. Ban Thường vụ Hội Nông dân xã đã phối hợp với UBND liên hệ các tỉnh phía Bắc và tổ chức cho một số cán bộ, hội viên nông dân đi tham quan học hỏi cách thức nuôi rươi, cáy; tham mưu Đảng ủy quy hoạch hơn 30 ha vùng chuyên sản xuất lúa kết hợp phát triển nguồn lợi rươi, cáy, từ đây đã nâng lên sản lượng rươi, cáy hàng năm. Song song với các hoạt động đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện còn vận động cán bộ, hội viên nông dân giúp các hộ nghèo, cận nghèo về vốn, giống cây, giống con, về kinh nghiệm sản xuất; huy động cán bộ, hội viên giúp các hộ khó khăn cải tạo vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, nhằm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hội viên, nông dân xã Xuân Hồng tham gia xây dựng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp
Chính từ Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đã góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hội Nông dân xã đã thể hiện tốt vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xã Xuân Hồng đã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới năm 2016, trước 01 năm so với kế hoạch cấp trên giao, hiện đang quyết tâm phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao trong năm nay.