Ngành nông nghiệp nông thôn cả nước năm 2022 duy trì tăng trưởng khá cao, toàn diện
Thứ tư - 08/02/2023 04:14
Năm 2022, ngành nông nghiệp, nông thôn triển khai thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những khó khăn, thách thức đan xen, như thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; xung đột quân sự Nga - Ulrainne,.. đã tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng giá vật tư đầu vào và ảnh hưởng trực tiếp sản xuất và xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, toàn ngành đã bám sát thực tiễn, nỗ lực vượt khó, vươn lên, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Vì vậy, năm 2022 ngành nông nghiệp cả nước vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, toàn diện, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt mức Chính phủ giao.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2022 tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,36% (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%),trong đó nông nghiệp tăng 2,88% (trồng trọt 1,51%, chăn nuôi 5,93%), thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%, trong đó thặng dư thương mại 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2022 (Chính phủ giao 50 tỷ USD); có 73,06% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (Chính phủ giao 73%) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 235 đơn vị); số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên 78% (Chính phủ giao 77%); tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%, từng bước nâng cao chất lượng rừng.
Hà Tĩnh đẩy mạnh dồn điền đổi thửa và cơ giới hóa khâu làm đất sản xuất
Ngành trồng trọt đã cơ cấu cây trồng chuyển đổi hiệu quả hơn; đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là đối với cây trồng chủ lực. Hiệu quả sản xuất trên 01 đơn vị diện tích không ngừng tăng qua các năm, trong đó giá trị 01 ha đất trồng trọt năm 2022 đạt 104,2 triệu đồng, tăng 0,6% so với năm 2021. Sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 90%, giá gạo xuất khẩu tăng cao hơn so với năm 2021. Diện tích rau, màu khoảng 1,1 triệu ha; sản lượng 18,8 triệu tấn, tăng 519,3 nghìn tấn. Diện tích cây ăn quả 1,21 triệu ha, tăng 41,3 nghìn ha; sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực sản lượng tăng 3,5 - 10,4%. Chăn nuôi có nhiều chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt 7,05 triệu tấn, trong đó thịt lợn tăng 5,9%, gia cầm tăng 4,5% so với năm 2022; sữa tươi 1,28 triệu tấn, tăng 10,2%; trứng 18,3 tỷ quả, tăng 4,4%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn, giảm 8,6%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Đối với thủy sản đã đẩy nhanh phát triển bền vững cả nuôi trồng và khai thác. Thực hiện chính sách khuyến khích khai thác ở các vùng biển xa; kiểm soát chặt chẽ thiết bị giám sát hành trình; tăng cường tuần tra, kiểm soát khai thác trên các vùng biển. Tổng sản lượng thủy sản 9,03 triệu tấn, tăng 2,7%; trong đó khai thác trên 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% và nuôi trồng 5,16 triệu tấn, tăng 6,3%. Công tác phát triển rừng được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng trồng; tỷ lệ giống được kiểm soát 90%. Thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, trọng tâm là Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”, diện tích rừng trồng mới tập trung 300 nghìn ha. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, thu trên 3.600 tỷ đồng (tăng 500 tỷ đồng so với năm 2021).
Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển cả trong và ngoài nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục trên 53,22 tỷ USD, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó có 08 mặt hàng có kim ngạch trên 2 tỷ USD, bao gồm 7 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su, cà phê) .
Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; tổ chức nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến, xây dựng 2.510 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn kiểm soát (tăng 866 chuỗi so với năm 2021); nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2022, thành lập mới 980 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 91 Liên hiệp HTX NN (tăng 12 Liên hiệp HTX NN), 21.100 HTX NN; thành lập mới 821 doanh nghiệp, nâng tổng số lên gần 15.000 doanh nghiệp nông nghiệp.
Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cả 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…; nhiều nhà máy chế biến công suất lớn với công nghệ hiện đại đã đi vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tập trung thực hiện kết hợp tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống với ứng dụng khoa học công nghệ tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy xuất nguồn gốc; lũy kế đến hết năm 2022 phân hạng và công nhận 8.689 sản phẩm OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, phát triển tăng cả về số lượng và chất lượng số xã, đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình được ban hành đầy đủ; hoàn thành giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đó là: Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế. Những khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài; bên cạnh đó giá thức ăn chăn, phân bón... tăng cao; khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất cao, trong khi giá sản phẩm nông sản có tăng nhưng thấp hơn đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất. Mặc dù có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng Việt Nam vẫn chưa gỡ được “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản; sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra. Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn so với năm 2021, cả về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối. Bên cạnh đó, giá vật tư xây dựng tăng ở mức cao đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các dự án. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo phong trào công nhận sản phẩm OCOP, chưa chú ý đến hiệu quả của Chương trình, nhất là khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn. Từ những kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế của năm 2022, ngành đã đặt ra một số chỉ tiêu cơ bản năm 2023 là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 3,0%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 78%; 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02% nâng cao chất lượng rừng; thành lập mới 1.500 HTX nông nghiệp; cả nước có 22.500 HTX nông nghiệp, trong đó trên 65% xếp loại tốt, khá.