Quy trình giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN là nội dung được Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành tại Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH quy định về giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực BHXH, BHTN.
Cụ thể, quy trình giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN gồm các nội dung cơ bản như sau:
- Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp.
- Chuẩn bị giám định tư pháp.
- Thực hiện giám định tư pháp.
- Kết luận giám định tư pháp.
- Lập, bàn giao, lưu giữ hồ sơ giám định tư pháp.
Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực BHXH, BHTN như sau:
- Căn cứ từng nội dung được trưng cầu giám định, xem xét đối tượng giám định và sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đối chiếu nội dung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật đã được cung cấp với các quy chuẩn chuyên môn để đưa ra nhận xét, đánh giá về những vấn đề có liên quan đến đối tượng cần giám định tư pháp lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Việc xem xét giám định bao gồm một hoặc một số nội dung sau: Xác định cụ thể các vấn đề cần giám định (hình thức vật mang thông tin và nội dung thông tin cần giám định...); xác định yếu tố bị xâm phạm; xác định giá trị thiệt hại và các nội dung khác theo yêu cầu của người trưng cầu (nếu có).
- Trong trường hợp phát sinh nội dung mới hoặc vấn đề khác trong quá trình thực hiện giám định, có văn bản thông báo ngay cho người trưng cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết.
- Lập văn bản ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình và kết quả thực hiện giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH.
Thông tư 23/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 10/01/2023.