Sơn Bằng là một xã miền núi nằm về phía Đông của huyện Hương Sơn, điểm xuất phát là một xã nghèo, có vị trí địa lý không thuận lợi, do địa hình thấp trũng nằm dọc theo con sông Ngàn Phố; thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra nên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế địa phương. Kinh tế thuần nông chiếm trên 60%; thương mại - dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển còn hạn chế. Nên dân số trên địa bàn xã chủ yếu làm nghề nông nghiệp, các hoạt động tại địa phương chủ yếu dựa vào người nông dân.
Xác định nông dân là chủ thể, là nhân lực chính quyết định sự thành công trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, Hội Nông dân xã Sơn Bằng đã triển khai nhiều nội dung, việc làm cụ thể, góp phần cùng toàn xã thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, làm cho bức tranh nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc.
Hàng năm, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Hội còn phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn để nâng cao hiểu biết về trồng trọt, chăn nuôi triển khai các mô hình phát triển kinh tế, tiếp cận các khoa học kỹ thuật đến với người dân.
Người dân được tiếp cập sử dụng phân bón mới trong sản xuất
Ngoài việc phát triển kinh tế nông hộ, các hội viên tích cực tham gia Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, rất nhiều hộ dân phát triển mô hình chăn nuôi huơu, ong, dê, chuyển đổi sản xuất từ đất màu kém hiệu quả sang trồng ổi … Nhờ đó, thu nhập của người dân tăng đều theo mỗi năm. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 49,6 triệu đồng/người/năm, góp phần giúp địa phương đạt tiêu chí về thu nhập trong bộ tiêu chí NTM theo quy định mới của tỉnh.
Hội viên xây dựng mô hình kinh tế 50 dê nái sinh sản
Phát triển kinh tế từ chuyển đổi đất màu kém hiệu quả
Hội Nông dân xã xác định rõ vai trò chủ thể nông dân trong xây dựng NTM, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa xây dựng NTM trở thành một trong các phong trào thi đua trọng tâm của công tác Hội. Hội đã phối hợp chính quyền và các ngành, đoàn thể vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, sửa chữa, kiên cố hóa đường giao thông; xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường như thu gom, xử lý vỏ chai, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; vận động hội viên, nông dân xây dựng hố phân vi sinh, lắp đặt các hố xử lý nước thải, duy trì chăm sóc vệ sinh tuyến đường chi hội quản lý.
Người dân đóng góp nội lực làm đường giao thông nông thôn
Lắp các hố xử lý nước thải sinh hoạt tại hộ gia đình
Tích cực tham gia cải tạo, chỉnh trang vườn hộ
Với các nội dung thiết thực đã góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân; thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả quan trọng, tổ chức Hội và hệ thống chính trị trong nông thôn ngày càng vững mạnh, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã giúp đỡ tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn, kinh tế hộ gia đình tăng lên, đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm đổi mới, khang trang… Khi đời sống đảm bảo, thì người dân lại chú trọng giữ gìn những giá trị văn hóa, đây cũng là một nội dung trong xây dựng nông thôn mới, nhằm xây dựng một đời sống văn hóa tinh thần tốt đẹp ở địa phương. Hướng đến quan hệ tình nghĩa thân thiện, giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng nhau, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của quê hương... Tại địa phương, hội viên, nông dân tham gia các câu lạc bộ: bóng đá, bóng chuyền, thành lập các đội văn nghệ, dân vũ, các câu lạc bộ nông dân với pháp luật, tham gia tổ hội nghề nghiệp hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, đóng góp xã hội hoá để phục dựng các di tích lịch sử của địa phương như Đền Nhà ông, Đền Nhà bà… Các hoạt động đã thiết thực góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng.