Là xã nông nghiệp ngoài đê, hàng năm chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng với tinh thần đoàn kết, chịu khó giúp nhau cùng phát triển kinh tế, xã Quang Vĩnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi phù hợp. Từ mức thu nhập bình quân đầu người hơn 27 triệu đồng/năm vào năm 2013, đến nay đã tăng lên 52 triệu đồng/năm. Người dân hiến đất, đóng góp ngày công để mở rộng đường giao thông nông thôn và tham gia lao động xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 8/8 thôn đạt tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu. Bên cạnh những thành tựu trong xây dựng hạ tầng thì kinh tế - xã hội cũng được phát triển, nâng cao thu nhập và thực hiện chuyển đổi số.
(Góc nhỏ tại khu dân cư kiểu mẫu thôn Vĩnh Hoà)
Trên địa bàn xã, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh đạt hơn 80%; tỷ lệ phủ sóng mạng di động 4G trong phạm vi xã đạt 85%; 100% số cán bộ xã, thôn sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet; tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử đạt 70%. Trong công tác quản lý điều hành, xã Quang Vĩnh triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, kết quả số hóa thủ tục hành chính hay kết quả thanh toán trực tuyến của xã đều đạt mức cao. Xã hiện có 01 sản phẩm OCOP được xếp hạng ba sao, được giới thiệu, quảng bá thông qua công nghệ thông tin; có tám điểm công cộng lắp đặt wifi miễn phí tốc độ cao; 11 camera giám sát tình hình an ninh trật tự…
Phát huy bước đà này, thời gian tới chính quyền xã Quang Vĩnh sẽ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với chuyển đổi số. Giờ đây các văn bản chỉ đạo, công văn hướng dẫn sẽ được xã gửi tới nhóm Zalo chung của các bí thư, thôn trưởng và tiếp tục đến với thiết bị thông minh của người dân, tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức so với trước. Khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân dường như đã bị xóa nhòa trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò của “Tổ công nghệ số cộng đồng”, với nòng cốt là lực lượng đoàn viên, thanh niên được tham gia tập huấn. Hiện nay, toàn bộ 08 thôn trên địa bàn xã Quang Vĩnh đều thành lập các tổ này, mỗi tổ từ 5 đến 8 người, trong đó luôn có cán bộ công chức xã; thường xuyên tổ chức hỗ trợ, hướng dẫn người dân các thao tác, ứng dụng trên thiết bị thông minh. Tại bộ phận một cửa, lãnh đạo xã Quang Vĩnh cũng chỉ đạo bố trí máy tính và máy scan, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng internet, giúp họ dần quen với những tiện ích của dịch vụ hành chính công.
(Khu dân cư kiểu mẫu thôn Tiền Phong)
Tinh thần, trách nhiệm và sự nỗ lực cố gắng của cán bộ và nhân dân xã Quang Vĩnh, giờ đây nông thôn mới chính là sức sống mới, những ý tưởng mô hình như làng hạnh phúc, làng thông minh cũng là một gợi ý rất hay để xây dựng nông thôn mới, xây dựng cộng đồng ngày càng giàu đẹp, văn minh cho chính mình và cho thế hệ mai sau.