Hội nông dân tỉnh hà tĩnh

Hội nông dân tỉnh hà tĩnh

Ha Tinh Farmer's union

Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với hội viên, nông dân

Thứ tư - 23/11/2022 06:23
Thực hiện Quyết định số 657-QĐ/TU ngày 04/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, sáng ngày 23/11/2023, tại Hội trường Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa Thường trực Tỉnh ủy với hội viên, nông dân toàn tỉnh lần thứ nhất, năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 213 điểm cầu, cấp huyện và cấp xã với sự tham dự của 8.875 đại biểu. Các đồng chí: Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh; Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Trọng Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu của tỉnh; Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Đặng Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ&DN tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Đồng chí Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu đặt vấn đề mở đầu buổi hội nghị, đồng chí Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Đây là sự kiện hết sức quan trọng nhằm phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua hội nghị để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh; từ đó, các ngành, các cấp sẽ tiếp thu và giải đáp thắc mắc các kiến nghị, đề xuất của hội viên nông dân. Đồng chí đề nghị các đại biểu cán bộ, hội viên nông dân nắm chắc các nội dung, nêu ý kiến thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng, trọng tâm.
Dung
Đồng chí Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội nghị 
Chủ đề của hội nghị năm nay là “Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Trên tinh thần cởi mở, dân chủ, thẳng thắn, cán bộ, hội viên nông dân tại điểm cầu UBND tỉnh, các điểm cầu của các huyện, thành phố, thị xã và điểm cầu tại các xã, phường, thị trấn toàn tỉnh đã nêu lên 19 câu hỏi trực tiếp tại các điểm cầu. Với tinh thần trách nhiệm cao, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã giải đáp những ý kiến thuộc chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách của đơn vị.
Một số câu hỏi liên quan đến tình trạng giống, phân bón kém chất lượng trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, vật nuôi; giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tiêu thụ, chế biến cam, bưởi, giúp nông dân ổn định đầu ra; giải pháp xây dựng bộ giống chủ lực thống nhất trên toàn tỉnh; giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể; bệnh viêm da nổi cục đàn bò và dịch tả lợn châu Phi làm nhiều vật nuôi bị chết trong các năm 2020 và 2021, đến nay chưa được hỗ trợ, hội viên nông dân mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ. Đồng thời, có thêm chính sách hỗ trợ đối với chăn nuôi lợn nông hộ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là chính sách hỗ trợ, thúc đẩy người nông dân tái đàn, phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững. Một số ý kiến đề nghị tỉnh có cơ chế chính sách gì để khuyến khích hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển đô thị văn minh, để nông dân ở các thị trấn và phường có nhiều hộ sản xuất nông nghiệp cũng được hưởng chính sách để phát triển sản xuất; cơ chế chính sách để phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao và môi trường sống xanh cho người dân đô thị; có thêm cơ chế thông thoáng để hợp tác xã có thể tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Có ý kiến mong muốn tỉnh có giải pháp khắc phục tình trạng rác thải ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân vùng nông thôn; bổ sung thêm nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn cho bà con nông dân; phụ cấp chi hội trưởng quá thấp…
V2G
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời các câu hỏi
Trả lời các câu hỏi về sản xuất và tiêu thụ cam, bưởi, đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hiện nay, chủ trương của tỉnh là ổn định diện tích sản xuất (khoảng 9000ha cam và 4000ha bưởi), hạn chế mở rộng diện tích trồng mới và tập trung vào đầu tư chất lượng, ưu tiên thâm canh để tăng năng suất, sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu, thực hiện chuyển đổi số, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, ký hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các hộ sản xuất. Đối với câu hỏi giá giống lúa trên địa bàn tỉnh cao hơn các địa phương khác, đồng chí Nguyễn Văn Việt cho biết, trước mỗi vụ sản xuất, ngành đều thành lập các đoàn kiểm tra chất lượng hàng hóa vật tư nông nghiệp; hướng dẫn sản xuất tại các địa phương, nắm bắt tình hình sản xuất, cơ cấu giống để có giải pháp bổ cứu kịp thời. Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra việc niêm yết, công khai giá và chất lượng giống, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm nếu có. Đối với câu hỏi về hỗ trợ người dân có gia súc tiêu hủy do dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi năm 2021, do chưa có cơ chế, định mức cụ thể từ Trung ương nên tỉnh chưa có cơ sở xem xét hỗ trợ người dân. Ngày 31/10/2022, Bộ NN&PT đã đề xuất với Thủ tướng, Chính phủ xem xét, ban hành nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, chống dịch bệnh động vật, hiện đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Giám đốc Sở NN&PTNT giải trình các nội dung quản lý chất lượng phân bón; quản lý vùng trồng bưởi Phúc Trạch; chính sách phát triển nông nghiệp ven đô, khai thác thủy hải sản…
Liên quan đến hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm của nông dân, đồng chí Hoàng Văn Quảng, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội chợ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã cơ sở tham gia và tiêu thụ được số lượng lớn sản phẩm. Thời gian tới ngành công thương tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tiếp và trực tuyến, kết nối với các sàn thương mại điện tử để đưa các sản phẩm vào các hệ thống phân phối lớn, tiêu thụ bền vững. Trả lời câu hỏi của bà Chu Thị Hoàng Hà tại điểm cầu huyện Hương Sơn về giải pháp để nâng tầm sản phẩm nhung hươu Hương Sơn trở thành thương hiệu nhận diện của tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Bùi Quang Hoàn, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng chất lượng sản phẩm phải đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, sản lượng ổn định, mẫu mã sản phẩm và nhận được sự đánh giá cao từ người tiêu dùng. Đồng chí cho rằng, hiện nay sản phẩm từ nhung hươu chưa nhiều, cần có giải pháp chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và gắn với phát triển du lịch trải nghiệm tại địa phương. Cùng đó, địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ thương hiệu.
Thượng tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh đã giải đáp câu hỏi về nội dung các hộ ở những đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập đến nay chưa được chỉnh sửa lại giấy tờ tùy thân và trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lãnh đạo và địa diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT và Sở Tài chính đã trả lời các cấu hỏi lien quan đến cơ chế chính sách hỗ trợ để phá bỏ bờ thửa, san phẳng mặt ruộng và đầu tư nâng cấp mở rộng hạ tầng phục vụ sản xuất các vùng tập trung, tích tụ ruộng đất; xử lý rác thải vùng nông thôn; quản lý vùng trồng để bảo vệ thương hiệu bưởi Phúc Trạch; phát huy hiệu quả của các hợp tác xã nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; vấn đề tạo việc làm cho người lao động; xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập cơ sở hành chính cấp xã…
Liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, đồng chí Đậu Tùng Lâm, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, đến nay toàn tỉnh có 3.700 trạm BTS, phủ sóng 4G đến 98% khu dân cư toàn tỉnh, 100% các thôn có hạ tầng cáp quang phục vụ người dân tham gia vào chuyển đổi số. Năm 2023, sẽ xóa bỏ 100% vùng “lõm” sóng, đáp ứng cho thực hiện chuyển đổi số. Hằng năm, Sở TT&TT đã phối hợp các đơn vị tổ chức rà soát, thực hiện các tiêu chí về ứng dụng chuyển đổi số, hướng dẫn người dân thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn…; thành lập chuyển đổi số cộng đồng; tổ chức tập huấn kỹ năng để ứng dụng các nền tảng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng chí còn cho biết thêm, tại Nghị quyết số 78 – NQ/HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành ngày 11/11/2022 có cơ ché chính sách hỗ trợ chuyển đổi số
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta hết sức coi trọng vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đối với nông nghiệp Hà Tĩnh tăng trưởng khá cao, năm 2021 đạt 3,78%, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng ngành, chiếm trên 53% (toàn quốc chỉ đạt 28%), nhóm các sản phẩm chủ lực tăng khá. Toàn tỉnh có 250 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt trên 96 triệu đồng/ha. Hà Tĩnh được Chính phủ chọn thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh có 98% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 9/13 huyện, đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hiện nay chỉ còn 3 huyện và 4 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Mặc dù tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng đã đề ra nhiều cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, là tỉnh duy nhất hỗ trợ 20% kinh phí cho người nông dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; chính sách hỗ trợ về giống, tích tụ ruộng đất, mua máy móc thiết bị, nuôi trồng thủy hải sản, chính sách làm nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ học bổng cho con em hộ nghèo học đại học được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa (2 năm qua tỉnh làm được trên 3600 nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, 52 nhà văn hoá cộng đồng, 204 em đi học đại học …).
Đối với Hội Nông dân, hàng năm tỉnh đã trích Quỹ Hỗ trợ nông dân. Hội đã phối hợp với các sở ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và các hoạt động tư vấn, Hỗ trợ nông dân về vốn, giống, phân bón, giới thiệu việc làm, BHYT, BHXH được tổ chức rộng rãi và khá hiệu quả, được Hội Nông dân Trung ương đánh giá rất tốt. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy chỉ ra những khó khăn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh. Đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm; thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chế biến sâu, nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn còn khó khăn… Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cán bộ, hội viên, nông dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ: tập trung xây dựng người nông dân Hà Tĩnh tự tin, tự chủ, chuyên nghiệp, là chủ thể sáng tạo xây dựng nông thôn mới. Nông dân Hà Tĩnh phải đổi mới tư duy hơn nữa, sản phẩm làm ra phải sạch, an toàn; phải vì lợi ích của người tiêu dùng, vì lợi ích xã hội, không vì lợi nhuận trước mắt.  
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị phải tạo được môi trường thuận lợi, tiếp tục đề ra cơ chế, chính sách phù hợp; chú trọng quản lý giá cả vật tư nông nghiệp, các yếu tố đầu vào, hỗ trợ đầu ra. Hội viên, nông dân phải được trang bị kiến thức của nhà kinh doanh, được đào tạo nghề, được hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới, phát triển các ngành, nghề ở nông thôn để nông dân yên tâm làm giàu bền vững tại miền quê mình đang sống.
Tiếp tục quan tâm xây dựng nền nông nghiệp Hà Tĩnh có những bước đột phá, phát triển bền vững, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng miền. Sản xuất nông nghiệp phải được cơ giới hóa, chuyên môn hóa trong các khâu sản xuất, chủ yếu phục vụ mục đích thương mại, bán ra thị trường, xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người lao động. Chỉ đạo để phát triển nền nông nghiệp phải dựa trên hệ sinh thái tự nhiên, tái tạo và giữ gìn hệ sinh thái; sử dụng, quản lý bền vững nguồn tài nguyên; đảm bảo giữ gìn môi trường sống không bị hủy diệt vì ô nhiễm.
Các cấp, ngành, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, lấy doanh nghiệp nông nghiệp làm vai trò “bà đỡ”; tiếp tục đề ra các chính sách cụ thể, dài hạn, khơi nguồn sáng tạo, hấp dẫn để hỗ trợ, khuyến khích nông dân có bước phát triển mới. Người nông dân Hà Tĩnh phải đổi mới tư duy hơn nữa. Sản phẩm nông nghiệp làm ra phải đảm bảo sạch, an toàn, phải vì lợi ích của người tiêu dùng, vì lợi ích xã hội, không vì lợi nhuận trước mắt. Tổ chức hội phải làm tốt vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; bảo vệ quyền, lợi ích của nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân…
          Đồng chí đề nghị cấp ủy và chính quyền các cấp chỉ đạo, kiện toàn củng cố tổ chức hội nông dân các cấp vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là cơ sở hội. Cần quan tâm bổ sung quỹ cho tổ chức hội; ban hành các chính sách khuyến khích nông dân phát triển sản xuất; quan tâm hỗ trợ nông dân yếu thế; hỗ trợ tư vấn, trợ giúp pháp lý cho nông dân phù hợp với từng đối tượng, giúp nông dân nắm chắc, hiểu đúng pháp luật và chấp hành pháp luật. Tập trung cao công tác chỉ đạo đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực chào mừng đại hội hội nông dân các cấp, tiến tới Đại hội Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.
T3G
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại hội nghị 
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng sâu sắc, toàn diện của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đặc biệt là những nhiệm vụ đặt ra đối với tổ chức hội các cấp, để từ đó cụ thể hóa, triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân đáp ứng yêu cầu đặt ra. Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề nghị cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tin tưởng giao nhiệm vụ, tăng cường bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội; đồng thời tạo điều kiện cho tổ chức hội và cán bộ, hội viên nông dân hoạt động, nhất là ở cấp cơ sở hiện còn nhiều vấn đề khó khăn.

 

Tác giả bài viết: Minh Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông tin thời tiết
Tinh Ha Tinh, VN
Thời tiết hôm nay 04:27 T4: mưa nhẹ
mưa nhẹ
16.5
°C
Độ ẩm: 89 %
Gió: 1.86 m/s
15/01
mưa nhẹ
16.09°
16.5°
16/01
mây cụm
15.54°
15.54°
17/01
mây đen u ám
17.11°
17.11°
18/01
mây đen u ám
18.37°
18.37°
19/01
mây đen u ám
19.03°
19.03°
Tư liệu hình ảnh
hqdefault.jpg 10-1-Opt.jpg 106d0131401t700l4.jpg 106d3085500t82788l0.jpg anh-2-13-qmkk.jpg
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập33
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay12,562
  • Tháng hiện tại371,860
  • Tổng lượt truy cập21,804,449
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây