Năm 2017, khi biết đến mô hình nuôi lươn đồng đưa lại hiệu quả kinh tế cao, anh Nguyễn Văn Sơn đã bàn với vợ là chị Nguyễn Thị Tươi (SN 1978) đầu tư nuôi thử nghiệm 5 bể lươn với số vốn ban đầu gần 100 triệu đồng để thoát nghèo.
Để đàn lươn sinh trưởng tốt, đều đặn mỗi ngày, chị Tươi chuẩn bị cá và ốc xay nhuyễn để làm thức ăn cho lươn. Nhờ cách chăm sóc thân thiện với môi trường này mà đàn lươn của chị cho chất lượng thịt tốt, đem lợi nhuận kinh tế cao. Bằng sự kiên trì, không ngừng học hỏi, vợ chồng anh Sơn đã thành công với mô hình, từng bước vươn lên trở thành hộ khá của địa phương.
Từ 5 bể lươn ban đầu, đến đầu năm 2019, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn đã nhân lên được 12 bể. Hiện tại, trung bình mỗi năm vợ chồng anh Sơn xuất bán được 3 tấn lươn thịt loại 5 con/kg, với giá bán 300 nghìn đồng/kg, đã đem lại nguồn thu gần 900 triệu đồng.
Các bể nuôi lươn bằng xi măng được anh Sơn đầu tư bài bản, mỗi bể rộng 8 m2, đáp ứng nhu cầu phát triển tốt nhất cho lươn.
Thành công từ mô hình nuôi lươn đã giúp anh Sơn mạnh dạn đầu tư sang những vật nuôi có giá trị khác. Táo bạo làm ăn, cuối năm 2019, anh Sơn quyết định mở rộng mô hình kinh tế với việc nuôi thêm 5 ao ốc bươu đen.
Anh Sơn chia sẻ: "Với mong muốn mở rộng mô hình kinh tế, cuối năm 2019, tôi đã đi tham khảo mô hình nuôi ốc bươu đen ở Quảng Bình. Nhận thấy loài ốc này không đòi hỏi chi phí cao cũng như cách nuôi không quá khó nên vợ chồng tôi quyết định đầu tư thêm 100 triệu đồng để mua ốc giống thả vào 5 ao nuôi của gia đình".
Anh Sơn cho biết, khi bắt tay vào nuôi ốc, do điều kiện thời tiết, môi trường có ít khác biệt so với những kiến thức mà anh tham khảo thực tế nên lứa ốc đầu tiên phát triển chậm, bị chết khoảng 40%.
Không nản lòng, anh Sơn quyết chí, tiếp tục tìm hiểu thêm kỹ thuật nuôi ốc từ các trang trại lớn trong tỉnh và tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức để trau dồi thêm kỹ năng nuôi loài “vàng đen” này.
Không phụ công người chăm sóc, trong lứa nuôi tiếp theo, 5 ao “vàng đen” của vợ chồng anh Sơn sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2021, anh xuất bán được 4 tấn ốc thịt, với giá 100 nghìn đồng/kg, thu về 400 triệu đồng.
Ngoài việc nuôi ốc bươu đen thương phẩm, anh Sơn còn phát triển nuôi ốc giống nhằm tạo nguồn giống cho gia đình cũng như xuất bán cho nhiều hộ nuôi khác trên phạm vi cả nước.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ốc giống, anh Sơn cho biết: Ốc bươu đen là loài có thời gian sinh sản từ tháng 3 đến tháng 11 âm lịch. Trứng ốc mới đẻ có màu trắng trong và chuyển sang trắng đục khi sắp nở. Lúc này cần để ý thu gom trứng ốc và bắt đầu chăm sóc đặc biệt.
Khi ốc đẻ trứng cần gom, phân loại các tổ trứng và phun nước hằng ngày để tạo môi trường ẩm thích hợp cho trứng ốc phát triển. Thông thường, ốc sau khi nở khoảng 10 ngày đã có thể xuất bán. Nhờ giống tốt, đồng đều nên ốc của anh Sơn được thị trường đánh giá tốt, khách hàng đặt mua liên tục. Trong năm 2021, việc bán ốc giống đã đưa về cho anh Sơn khoản thu hơn 300 triệu đồng.
Đối với ốc nuôi, từ lúc nở cho đến khi thu hoạch cần 4 - 5 tháng. Khi ốc đạt trọng lượng thương phẩm từ 30 - 35 con/kg thì có thể tiến hành xuất bán.
Cũng theo anh Sơn, khi nắm được rõ kỹ thuật thì việc nuôi ốc bươu đen không quá khó, loài ốc này dễ chăm sóc, lại có thời gian thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao. Nguồn thức ăn cũng là những thứ có sẵn trong vườn như: lá sắn, xơ mít, các loại rau - củ - quả... Mỗi ngày chỉ cần cho ốc ăn 1 lần, lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc.
Trong ao nuôi ốc giống sinh sản, anh Sơn đã bố trí các mô đất để ốc thuận tiện lên đẻ.
Hiện tại, gia đình anh Sơn đã có 5 ao nuôi ốc thịt, một bể nuôi ốc đẻ và một bể ốc giống. Ốc giống, ốc thịt nuôi đến đâu bán hết đến đó; nhờ vậy, anh Sơn hoàn toàn yên tâm để gắn bó với đối tượng nuôi này.
Với kinh nghiệm nuôi ốc bươu đen của bản thân, anh Sơn cho biết, loài này tuy sống dưới bùn nhưng lại rất ưa sạch, môi trường là điều sẽ quyết định đến sự sống của ốc. Vì thế, người nuôi cần vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng vôi, men vi sinh và thường xuyên thay nước trong ao để đảm bảo cho ốc có điều kiện phát triển tốt nhất.
Ngoài nuôi lươn, ốc bươu đen, cuối năm 2020, anh Sơn còn tìm tòi, cần mẫn thử nghiệm mô hình nuôi cua đồng trên diện tích 1 sào ruộng của gia đình.
Sau 2 năm nuôi cua đồng tại ruộng, anh Sơn đã có thu nhập khá từ loài nuôi này. Mỗi năm, anh xuất bán được gần 3 tấn cua, với giá bán 100 nghìn đồng/kg đã cho gia đình thu nhập gần 300 triệu đồng. (Trong ảnh: Anh Sơn kiểm tra lại bờ ruộng để chuẩn bị nuôi lứa cua đồng tiếp theo).
Anh Sơn phấn khởi cho biết: "Sau 5 năm phát triển, đến nay, mô hình kinh tế nuôi lươn, ốc và cua đồng của gia đình đã cho tổng thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm, sau khi trừ các chi phí, lãi ròng gần 1 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, nếu thuê được thêm đất ruộng, tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi ốc và cua đồng, từng bước nâng doanh thu và lợi nhuận kinh tế cho gia đình. Đặc biệt, tôi sẽ sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho những ai đam mê loài vật nuôi này để làm giàu".
Mô hình kinh tế nuôi lươn, ốc và cua đồng của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn là mô hình tiêu biểu trên địa bàn xã. Thành công từ mô hình đã mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn, thực hiện việc đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi. Về phía địa phương, chúng tôi luôn tạo điều kiện thuận lợi để gia đình anh Sơn tiếp tục mở rộng mô hình và giúp đỡ những hộ dân khác có thể học tập mô hình phát triển kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Duy Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh
Nguồn tin: baohatinh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn