Tập trung thực hiện chuyển đổi số trong hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân
Thứ năm - 12/05/2022 06:07
Xác định rõ tầm quan trọng của việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh đã tích cực, chủ động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân bằng nhiều hoạt động rõ nét như: tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về thị trường, chuyển giao khoa học công nghệ; tổ chức các hội thảo kết nối cung - cầu nông sản; tổ chức các gian hàng tham gia Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Hà Tĩnh; tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; xây dựng chuỗi cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP của nông dân ra thị trường.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng điều khiển hệ thống tưới bằng Smartphone đã được xây dựng trong thời gian qua
Đặc biệt, trong những thời điểm nông dân gặp khó khăn như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, rớt giá... các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh đã tập trung quyết liệt, kịp thời kết nối, tiêu thụ nông sản giúp nông dân. Cụ thể, năm 2019, đã hỗ trợ tiêu thụ 35.000 quả bưởi Phúc Trạch, 30 tấn cam tỉnh Hà Giang bị ảnh hưởng do mưa lũ; năm 2021, hỗ trợ tiêu thụ 65.000 quả bưởi Phúc Trạch (650 tấn), trên 30 tấn dưa lưới, 10 tấn chanh. Cùng với đó đã đồng hành cùng nông dân các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Đắk Lắk, Sơn La, Bắc Giang hỗ trợ tiêu thụ trên 200 tấn nông sản các loại (hành tím, vải thiều, mận hậu, bơ, thanh long) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 khó tiêu thụ và khó xuất khẩu.
Có thể khẳng định rằng hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, nâng thu nhập cho người nông dân. Tuy vậy, việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản của các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh chủ yếu đang theo mùa vụ, chưa ổn định, chưa hình thành được các kênh bán hàng hiện đại, ứng dụng thương mại điện tử chưa nhiều, kết quả đạt được chưa tương xứng với nhu cầu của nông dân. Để góp phần khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, bên cạnh tiếp tục phát huy những điểm mạnh của các hình thức kết nối tiêu thụ nông sản đã có, các cấp Hội Nông dân Hà Tĩnh cần quan tâm thực hiện các giải pháp về chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản, đó là:
Bưởi Phúc Trạch là sản phẩm được Hà Tĩnh chọn chuyển đổi số đầu tiên
Thứ nhất, tập trung phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, kinh tế số, lợi ích của việc đưa nông sản hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và xác định đây là việc làm lâu dài để sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh vươn ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ hai, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, hướng dẫn đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn TMĐT và kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT cho cán bộ Hội và bà con nông dân, hướng dẫn xây dựng Fanpage bán hàng online trên mạng xã hội, kỹ năng livestream bán hàng.
Thứ ba, phối hợp tốt với Bưu điện tỉnh tiếp tục đưa sản phẩm nông nghiệp, hộ nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và các sàn Voso.vn, Sendo.vn, Shoppe.vn. Hiện nay đã cập nhật được thông tin 25.000 hộ nông nghiệp và 109 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lên sàn TMĐT Postmart.vn. Cán bộ Hội Nông dân các cấp thường xuyên truy cập, tìm hiểu thông tin và đặt mua các sản phẩm của nông dân Hà Tĩnh trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, đồng thời quan tâm thực hiện công các tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện mua hàng online nhằm tạo sức lan tỏa trong công đồng về TMĐT.
Thứ tư, phân công nhiệm vụ cụ thể cho những tổ chức, cá nhân trong hệ thống Hội Nông dân các cấp, thành lập các tổ bán nông sản online cộng đồng gắn với quan tâm công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ lĩnh vực được phân công phụ trách.