Hội Nông dân thị xã Hồng Lĩnh đẩy mạnh xây dựng và phát triển mô hình Chi hội, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp
Thứ hai - 09/09/2024 06:45
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; Hướng dẫn số 205-HD/HNDTW, ngày 10/7/2020 của Trung ương Hội nông dân Việt Nam về quy trình thành lập và tổ chức hoạt động của Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; Kế hoạch số 16-KH/HNDT, ngày 05/6/2020 của Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh về triển khai xây dựng các mô hình Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh đồng thời là cơ sở để thúc đẩy nhằm thực hiện tốt phong trào nông dân, trong thời gian qua các cấp Hội Nông dân thị xã Hồng Lĩnh đã đẩy mạnh thực hiện công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các Chi hội, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, đơn vị, đưa nội dung thành lập Chi hội, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp trở thành tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm của từng cấp Hội.
Cùng với thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, trong năm 2023, Hội Nông dân thị xã Hồng Lĩnh đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thành lập mới được 01 chi hội nông dân nghề nghiệp và 12 tổ hội nông dân nghề nghiệp, với 118 thành viên tham gia. Các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chủ yếu như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt, làm vườn,… đặc biệt là Chi hội Nông dân nghề nghiệp Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp với nuôi rươi tại phường Trung Lương. Để đảm bảo hoạt động đúng quy định và hướng dẫn của các cấp Hội; sau khi thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề ngiệp đã xây dựng và ban hành quy chế hoạt động trên nguyên tắc “5 tự”, “5 cùng”; đó là “Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm” và “Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi”.
Đối với Chi hội Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp với nuôi rươi, có 15 hộ tham gia sản xuất với quy mô diện tích 9,0 ha. Các hộ tham gia đều được cán bộ của Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao thuộc Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn thực hiện. Mô hình này đã giúp hội viên, nông dân thay đổi và nâng cao nhận thức trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là những vùng có tiềm năng phát triển cả về cây lúa và khai thác rươi tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích, đồng thời bảo vệ được môi trường sinh thái mang tính bền vững. Bước đầu trong năm 2023 với quy mô diện tích 9,0 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp với nuôi rươi của chi hội nông dân nghề nghiệp tại phường Trung Lương đã cho thu nhập với giá trị từ 150 - 170 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài Chi hội Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp với nuôi rươi thì các tổ hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn thị xã đều phát huy được hiệu quả trong quá trình tổ chức và hoạt động, cụ thể nổi bật như: Tổ hội Nông dân nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật ở phường Đậu Liêu; Tổ hội Sản xuất, gia công đồ mộc cao cấp ở phường Đức Thuận; Tổ hội Chăn nuôi gà ở xã Thuận Lộc,… Các tổ hội thường xuyên trao đổi chia sẻ các thông tin trong cùng lĩnh vực ngành nghề để giúp nhau cùng nhau phát triển, từ đó đã tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân trong các tổ hội.
Để khuyến khích hội viên, nông dân tham gia và thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trên các lĩnh vực hoạt động, các cấp Hội Nông dân đã ưu tiên hỗ trợ cho vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp nhằm tạo điều kiện cho các các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đến nay, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân thị xã ủy thác cho các các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp vay là 1,357 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương hội 300 triệu đồng, nguồn tỉnh hội 350 triệu đồng, nguồn Hội Nông dân thị xã 707 triệu đồng. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích nên các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp đều phát huy được hiệu quả đồng vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ hội viên, nông dân.
Từ quá trình xây dựng, thành lập và phát triển cũng như duy trì hoạt động của mô hình các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp cho thấy hiệu quả thiết thực, không chỉ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của hội viên, nông dân, mà còn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nông dân Hồng Lĩnh trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị, nâng cao giá trị và thu nhập cho người nông dân, từng bước thay đổi phương thức sản xuất, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từ đó, tạo động lực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và thị xã.
Có thể khẳng định rằng việc xây dựng, thành lập và phát triển các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp của các cấp Hội Nông dân thị xã Hồng Lĩnh trong thời gian qua đã tạo sự gắn kết giữa việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tạo động lực và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân thị xã Hồng Lĩnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, thành lập, phát triển các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo chủ trương của Hội Nông dân cấp trên, góp phần đa dạng hóa mô hình tổ chức Hội Nông dân ở cơ sở, đa dạng hóa ngành nghề theo hướng thiết thực, hiệu quả phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp, nông dân đô thị./.
Tác giả bài viết: Lê Thị Thu Hiền - HUV, Chủ tịch HND TX Hồng Lĩnh