Được Hội Nông dân thị xã Hồng Lĩnh và phường Trung Lương tư vấn, vận động, hướng dẫn, ông Phạm Hồng Quang cùng 41 hộ nữa đã thành lập 3 tổ hợp tác, gồm: Tổ hợp tác Trồng rau màu, Tổ hợp tác Chăn nuôi bò kết hợp nuôi trồng thủy sản, Tổ hợp tác Dịch vụ làm đất bằng máy cày, đồng thời nhận gần 10 ha đất để sản xuất. Các hộ xác định, thành lập tổ hợp tác để tạo sức mạnh chiến thắng điều kiện tự nhiên nơi đây, bắt vùng đất này phải “đơm hoa, kết trái và cho quả ngọt”. Bằng sức mạnh đoàn kết của các thành viên trong các tổ hợp tác và sự năng động, sáng tạo của các tổ trưởng, vùng đất nơi đây đã “đơm hoa, kết trái” như mong ước. Tuy nhiên vấn đề tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, vì các tổ hợp tác còn sản xuất nhỏ lẻ.
Ban Thường vụ Hội Nông dân phường Trung Lương nhận thấy, để duy trì và phát triển các mô hình nơi đây, cần phải có một “thủ lĩnh” để chỉ đạo sản xuất hàng hóa quy mô tập trung, đồng thời vận động, hướng dẫn để thành lập hợp tác xã. Tháng 6 năm 2018 đã giải tán các tổ hợp tác, các hộ trong các tổ hợp tác có điều kiện góp vốn thành lập hợp tác xã, lấy tên là Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Minh Lương. Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã bao gồm: sản xuất, chế biến rượu truyền thống; sản xuất, chế biến tinh dầu thảo dược; nước sát khuẩn, nước ngâm chân từ thảo dược hữu cơ thiên nhiên, nước rửa chén, bát, nước lau sàn nhà, nước giặt, dầu gội đầu, trà uống thảo dược; cung ứng dịch vụ dê giống; sản xuất hương các loại; trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Hợp tác xã có 7 thành viên, 12 lao động thường xuyên 12 lao động và gần 15 lao động thời vụ.
Sản xuất, chế biến rượu là thế mạnh của hợp tác xã. Nhận thấy tại địa bàn thị xã Hồng Lĩnh hàng năm nông dân sản xuất ra sản lượng lúa nếp khá lớn, nhưng việc tiêu thụ hết sức khó khăn. Từ đó hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất rượu tiên tiến nhập khẩu từ Châu Âu, thu mua lúa nếp trên địa bàn để sản xuất chế biến rượu. Hiên nay sản lượng rượu của hợp tác xã từ 25-30 ngàn lít/năm, hợp tác xã đã xây dựng thương hiệu, đóng bình, đóng chai để đưa đi tiêu thụ tại các nơi. Năm 2021, sản phẩm Rượu Golden Rice của Hợp tác xã đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp bằng công nhận sản phẩm rượu đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao; loại rượu này đã được nhiều khách hàng biết đến và có nhiều hợp đồng ký kết tiêu thụ. Doanh thu mỗi năm từ chế biến rượu đạt 1,7 - 2,0 tỷ đồng; lợi nhuận đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm.
Nhận thấy phần lớn các sản phẩm tẩy rửa, nước giặt, dầu gội đầu trên thị trường hiện nay đều được sản xuất theo phương pháp công nghiệp, với thành phần là các chất hóa học tổng hợp. Các chất này khi sử dụng thường bị ảnh hưởng bởi sự ăn mòn da, làm khô da, sử dụng lâu sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người; nước thải xả thải ra ngoài môi trường sẽ làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, dẫn đến ô nhiễm môi trường. Trong khi đồi núi Hồng Lĩnh có nguồn dược liệu hết sức quý giá, mọc tự nhiên trên các đồi núi và có thể trồng được trong vườn, đó là các loại cây: khuynh diệp, cây sả, lá cây chanh, lá, hoa cây bưởi, cây hương nhu, cây bạc hà, quả bồ hòn, quả bồ kết, cây chè xanh, cây sim, cây rành rành, cây dây thìa canh và một số cây thảo dược thiên nhiên quý hiếm khác. Từ đó Hợp tác xã Minh Lương đã nghiên cứu, chế biến cho ra đời các sản phẩm tinh dầu, nước sát khuẩn, nước rửa chén, bát, nước lau sàn nhà, nước giặt, dầu gội đầu, trà uống, nước ngâm chân; tất cả đều được chế biến từ nguồn thảo dược hữu cơ thiên nhiên. Việc làm này đã góp phần tiêu thụ một số loại cây, loại lá cho bà con nông dân trên địa bàn. Doanh thu lĩnh vực này mỗi năm từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt từ 250 - 300 triệu đồng/năm.
Nhằm đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, tạo việc làm cho các thành viên, cuối năm 2021, hợp tác xã đã nhập dây chuyền sản xuất hương các loại và đưa vào hoạt động. Trước mắt hợp tác xã phải nhập nguyên liệu từ bên ngoài về để sản xuất, đồng thời để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến và sản xuất hương lâu dài, thời gian vừa qua hợp tác xã đã liên kết với Hội Nông dân huyện Hương Khê trồng gần 10 ha cây hương bài trên diện tích đất đồi núi, đến nay cây hương bài của bà con nông dân trồng có xu hướng phát triển tốt. Hiện tại mỗi ngày tiêu thụ từ 30 – 40 kg bột hương, cho ra đời các loại sản phẩm hương khác nhau như hương cây, hương vòng, hương nụ. Lợi nhuận từ sản xuất hương đạt từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra hợp tác xã còn nuôi 60 con bò, 50 con lợn nái và lợn thịt, 6.000 con gia cầm, thủy cầm, gần 400 con dê các loại, bao gồm dê giống, dê sinh sản, dê thương phẩm. Hợp tác xã thường xuyên cung cấp dê giống cho các hộ chăn nuôi dê trên địa bàn của tỉnh. Hợp tác xã còn có gần 10 ha đất đã trồng các loại cây ăn quả như bưởi, cam, ổi, xoài, na, mít, chanh, hồng xiêm và trồng cỏ, nhằm chủ động thức ăn cho đàn gia súc. Đến nay cây trồng đã phát triển tốt, một số giống cây như bưởi, na, hồng xiêm, ổi, mít đã có quả và đã cho thu hoạch từ 1-2 vụ.
Hiện tại mức lương bình quân hàng tháng cho cán bộ, thành viên, nhân viên người lao động của hợp tác xã đạt 6,2 triệu đồng/người/tháng. Ngoài tiền lương, hợp tác xã còn đóng BHXH, BHYT theo quy định cho 7 thành viên của hợp tác xã. Hàng năm hợp tác xã đóng nộp các khoản thuế cho ngân sách theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Phạm Hồng Quang – Giám đốc Hợp tác xã cho biết, có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ có vai trò rất quan trọng của Hội Nông dân thị xã và phường trong việc định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ, động viên trong cả quá trình, từ khi thành lập cho đến việc sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã.