Với niềm đam mê chăn nuôi, anh Ngô Hà Phương (thôn Đông Nam, xã Thạch Bình) quyết định tạm gác lại công việc kinh doanh để “tay ngang” tìm hiểu các loài vật nuôi. Tháng 3/2022, anh tham khảo và chọn mua 12 cặp dúi bố mẹ về nuôi.
Nhận thấy cơ hội thị trường rộng mở, anh Phương đầu tư 260 triệu đồng để xây dựng chuồng trại trên diện tích hơn 200 m2. Anh dùng gạch men khổ lớn xếp thành các ô có kích thước khác nhau tùy theo mật độ nuôi, lợp mái chống nóng để đàn dúi sinh sản và phát triển tốt...
“Dúi đẻ rất dày. Một cặp một năm sinh sản 3 lứa, mỗi lứa 2 - 4 con. Vì vậy, chỉ trong vòng gần một năm chăm sóc, trang trại của tôi đã phát triển đàn dúi lên đến 210 con. Hiện tại, tôi bán giống dúi nhỏ 200 - 300gram với giá 500 - 800 nghìn/con; loại đã sinh sản từ 2 – 3 triệu đồng/cặp", anh Phương chia sẻ.
Trên thị trường, thịt dúi đang được xem là món ăn đặc sản, thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng.
Theo anh Phương, để nuôi dúi thành công, đòi hỏi người nuôi phải thực sự chuyên tâm và theo dõi thường xuyên. Thời gian tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ đều phải tính toán phù hợp. Việc lựa chọn ghép đôi cũng cần lưu ý, không cùng huyết thống thì chất lượng và số lượng con giống cao hơn.
Khi đàn dúi đã sinh trưởng và phát triển ổn định, anh Phương mạnh dạn tìm hiểu, tham quan học hỏi cách nuôi chim trĩ tại trang trại ở tỉnh Nam Định.
Sau khi tìm hiểu, anh Phương bắt tay xây dựng khu chuồng nuôi rộng 200 m2 và thả 10 con chim giống. Khu vực nuôi chim được rào chắn cẩn thận, trải đệm lót sinh học để chuồng trại luôn sạch sẽ và hạn chế dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường.
“Lợi thế của nuôi chim trĩ là không bị dịch bệnh. Sau 7 tháng, tổng đàn chim trĩ đã sinh sản đạt 200 con. Hiện, tôi đã xuất bán được 2 lứa, với 150 con chim thương phẩm có giá từ 200 - 250.000 đồng/kg, doanh thu đạt hơn 30 triệu đồng. Thịt chim trĩ ngon, dai nên được nhiều thực khách, nhà hàng ưa chuộng" - anh Phương chia sẻ.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc chim trĩ, anh Phương cho biết: “Loài chim này hay mổ trứng, đánh nhau, vì vậy tôi phải đeo kính nhựa cho từng con. Với mẹo nhỏ này, loài chim phát triển tốt, hiệu quả cao.”
Xác định nuôi kết hợp các loài đặc sản là hướng đi cho trang trại của mình, anh Phương tiếp tục chọn lọc giống gà H’Mông về chăm sóc và nhân giống.
Đặc điểm của gà H’Mông là giàu dinh dưỡng, thịt dai chắc và hương vị thơm ngon đặc trưng.
“Với đặc điểm dễ chăm sóc, đầu tư ít vốn và tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, gà H”Mông mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với gà nuôi thông thường. Hiện hơn 200 con gà H“Mông đạt trọng lượng từ 1,2 – 1,5 kg/con. Giá bán gà H”Mông từ 160 - 180.000đ/kg, cao gấp 2 lần so với giống gà nuôi thả vườn khác. Tính ra, bình quân mỗi năm, đàn gà H“Mông cho doanh thu gần 30 - 40 triệu đồng”, anh Phương phấn khởi nói.
Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Ngô Hà Phương đã có cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực theo dõi, đánh giá hiệu quả thực hiện để kịp thời hỗ trợ; đồng thời khuyến khích, nhân rộng mô hình để thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Thị Mai Lan
Nguồn tin: baohatinh.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn