Hội nông dân tỉnh hà tĩnh

Hội nông dân tỉnh hà tĩnh

Ha Tinh Farmer's union

Từ “học thuyết hình thái kinh tế xã hội” của chủ nghĩa Mác đến tính tất yếu của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Chủ nhật - 04/12/2022 21:02
Chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Tuy nhiên, quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta từ một nước phong kiến nghèo nàn, lạc hậu bỏ qua việc xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã đang bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và ngay cả những cán bộ, đảng viên, những người nhận thức chưa đầy đủ, hiểu chưa đúng đắn về bản chất, lý luận của chủ nghĩa Mác, xuyên tạc, phủ nhận, hoài nghi. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông âu là cơ sở để họ rêu rao học thuyết lý luận của chủ nghĩa Mác đã lỗi thời, không còn phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, họ cổ xúy cho tính ưu việt của chủ nghĩa tư bản, họ phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế xã hội của Mác và cho rằng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sai lầm. Chính vì thế trong khuôn khổ bài viết nay, tôi xin làm rõ một số khía cạnh về học thuyết hình thái kinh tế xã hội của chủ nghĩa Mác và giá trị của nó đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Từ “học thuyết hình thái kinh tế xã hội” của chủ nghĩa Mác đến tính tất yếu của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Học thuyết hình thái kinh tế xã hội là một trong những nội dung hết sức quan trọng của chủ nghĩa duy vật lịch sử, được xem là hòn đá tảng của chủ nghĩa Mác –Lênin. Nghiên cứu học thuyết chúng ta thấy C. Mác là người đầu tiên nêu lên và giải quyết một cách khoa học những vấn đề duy vật biện chứng về lịch sử, chỉ ra nguồn gốc, động lực bên trong của sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội thông qua hệ thống các quy luật khách quan của xã hội. Xuất phát từ  “sự thật hiển nhiên,… trước hết con người cần phải ăn, uống, ở và mặc, nghĩa là phải lao độngtrước khi có thể đấu tranh giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học,…”. Chủ nghĩa Mác đã chỉ ra rằng để con người có thể sống, tồn tại, phát triển thì tất yếu con người phải sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Sản xuất là hoạt động nền tảng làm phát sinh, phát triển những mối quan hệ xã hội của con người. Mang đến sự hợp tác, yếu tố cạnh tranh thúc đẩy sản xuất nên một tầm cao mới. Nó chính là cơ sở của sự hình thành, biến đổi và phát triển của xã hội loài người. Tác động lên nhận thức, điều chỉnh các hành vi và làm mới đời sống của con người, chất lượng của xã hội. Chính quá trình sản xuất vật chất, tạo ra của cải để nuôi sống bản thân, con người cũng đồng thời sản xuất ra các giá trị tinh thần cho xã hội và tái sản xuất ra chính bản thân mình trong đó. Và lẽ đương nhiên, mọi sự biến đổi của xã hội đều xuất phát từ sự thay đổi của sản xuất vật chất. Trong nhiều tác phẩm của mình chủ nghĩa Mác đã chứng tỏ rằng, chính hoạt động thực tiễn của con người tạo nên xã hội và làm thay đổi bộ mặt xã hội, rằng: "Những quan hệ sản xuất đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do đó được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại cho xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp"[1]. Khẳng định vai trò quyết định của sản xuất vật chất, nhưng chủ nghĩa Mác chưa bao giờ xem nhẹ các nhân tố khác cũng tác động đến quá trình biến đổi xã hội như: môi trường tự nhiên; cơ cấu dân số; đặc trưng văn hoá... Quan điểm này biểu hiện trong việc học thuyết của chủ nghĩa Mác đã phân tích mối quan hệ biện chứng giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất; giữa kiến trúc tượng tầng với cơ sở hạ tầng; giữa ý thức xã hội và tồn tại xã hội. Và rằng lịch sử phát triển của xã hội loài người chẳng qua là lịch sử của những sự thay thế nối tiếp nhau của những phương thức sản xuất. Còn nguồn gốc thay đổi của phương thức sản xuất, sự mất đi của hình thái kinh tế - xã hội này và sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội khác chính là do mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất quyết định, và cuối cùng là các cuộc cách mạng xã hội. Trong đó lực lượng sản xuất yếu tố động, chịu sự quy định, thay đổi liên tục của công cụ lao động. Là yếu tố quan trọng nhất, quy định chất của phương thức sản xuất hay một hình thái kinh tế - xã hội xác định trong lịch sử, lực lượng sản xuất trong giới hạn tồn tại của mình ở một phương thức sản xuất nhất định đã cho phép học thuyết của chủ nghĩa Mác đưa ra kết luận nổi tiếng: “sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự - nhiên[2]. Và Lênin đã chỉ rõ cơ sở khoa học của vấn đề này như sau: “Chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên”[3].
Kết hợp giữa nghiên cứu lý luận với đúc kết đời sống hiện thực, chủ nghĩa Mác đã chỉ rõ, lịch sử nhân loại đã trải qua 4 hình thái kinh tế - xã hội: từ công xã nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến và chủ nghĩa tư bản. Đặc biệt, ở xã hội tư bản khi xã hội phát triển, mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa với đặc trưng là chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, sự thống trị và bóc lột trong quan hệ tổ chức và phân phối, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản đại biểu cho lực lượng sản xuất mới, tiến bộ với giai cấp tư sản nắm, củng cố, bảo vệ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đã lỗi thời, lạc hậu. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai cấp tư sản nhằm thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, xóa bỏ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, xây dựng xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa là phù hợp với quy luật chung và đưa đến hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Như vậy, đến đây xét trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, học thuyết của chủ nghĩa Mác về hình thái kinh tế xã hội đã làm rõ những vấn đề về nguồn gốc, động lực, sự vận động khách quan của lịch sử xã hội loài người từ chính thực tiễn của đời sống xã hội. Đã cung cấp cho nhân loài một thế giới quan khoa học, cách nhìn nhận, phân định, đánh giá quy luật vận động, phát triển tất yếu của xã hội loài người. Đã vạch rõ kết cấu cơ bản và phổ biến của mọi xã hội, cùng cơ chế tác động và phát triển xã hội theo những quy luật khách quan. Đồng thời chỉ ra hình thức tổ chức, kết cấu về một hình thái kinh tế xã hội trong tương lai mà loài người tất yếu sẽ hướng đến, cùng với đó là cách thức, con đường, biện pháp cách mạng thực hiện cho các chính đảng cộng sản, nhà nước vô sản trong hoạch định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Tính tất yếu của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam hiện nay
Điều khác biệt căn bản về chất so với các luận thuyết chính trị-xã hội có trong lịch sử, học thuyết hình thái kinh tế-xã hội của Mác là sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, giữa tính khoa học và tính đảng. Vì thế, đã có nhiều nước chọn học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là cơ sở lý luận để xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Ở Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, là động lực, phản ánh quy luật phát triển của cách mạng Việt nam, là sợi chỉ đó xuyên suốt đường lối cách mạng của Đảng. Kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với xu thế của thời đại và điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Trở về với lịch sử, kể từ khi chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và bè bạn các nước trên thế giới về nền độc lập, chủ quyền của Việt Nam, cũng là thời điểm Việt Nam khẳng định với thế giới rằng: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Sự khẳng định đanh thép đó, chính là sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân trên đất nước Việt Nam. Với bản chất tàn bạo, hiếu chiến, bóc lột, trong suốt quá trình đô hộ dân tộc Việt Nam dưới lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, chủ nghĩa thực dân đã biến một dân tộc có chủ quyền thành một dân tộc không có tên trên bản đồ thế giới, biến người dân tự do thành những người nô lệ, chúng bưng bít thông tin, xây dựng nhà tù nhiều hơn trường học, biến các cuộc đấu tranh của nhân dân trong bể máu. Những hành động đó đã phơi bày bản chất của chủ nghĩa thực dân, làm cho nhân dân, dân tộc Việt Nam hơn bao giờ hết thấu hiểu được tuyên ngôn dân chủ, nhân quyền mà chủ nghĩa tư bản rêu rao, khai hóa. Dưới ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác – Lênin do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dân tộc Việt Nam đã không trở về với quá khứ, một chế độ phong kiến mục nát, lỗi thời, đã thống trị nhân dân ta hàng ngàn năm lịch sử, lại càng không tính đến với xã hội dân chủ tư sản. Sự lựa chọn của lịch sử đã đưa dân tộc Việt Nam đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, với cách mạng Tháng 10 Nga và phong trào cách mạng của giai cấp vô sản trên thế giới lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ công hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nghèo nàn, lạc hậu lại không trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa phải chăng Việt Nam không tuân thủ học thuyết hình thái kinh tế xã hội của chủ nghĩa Mác, là trái với quy luật vận động của lịch sử xã hội loài người? Tính lịch sử trong sự vận động của các hình thái kinh tế - xã hội chỉ ra rằng: Toàn bộ xã hội loài người vận động phát triển tuần tự qua hình thái kinh tế - xã hội kế tiếp nhau từ thấp đến cao: Cộng sản nguyên thủy; Chiếm hữu nô lệ; Phong kiến; Tư bản chủ nghĩa; Cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội). Nhưng đồng thời cũng chỉ rõ: Một dân tộc, hay quốc gia cụ thể nào đó trong những điều kiện khách quan, chủ quan, thời đại hay trong nước cho phép, thì không nhất thiết phải phát triển tuần tự, mà có thể phát triển “bỏ qua” một nấc thang nào đó của lịch sử để tiến lên một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Đó chính là quá trình lịch sử - tự nhiên đặc thù. Điển hình cho mô hình này là Autralia hay các quốc gia Mỹ La tinh đều bỏ qua hình thái kinh tế - xã hội phong kiến để tiến thẳng lên hình thái kinh tế xã hội cao hơn. Sự thay đổi đó không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của họ, mà do điều kiện lịch sử khách quan quy định. Từ những lập luận trên chúng ta có thể khẳng định: Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua việc xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, xét trên khía cạnh lịch sử lý luận vẫn không trái với học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác mà trái lại còn bổ sung, làm phong phú hơn tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác.
Thời đại ngày này mà chúng ta đang sống là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đó là một quá trình quá độ nhất định, cải biến về chính trị đối với những nước đã trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa và một quá trình quá độ từ các nước chưa trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa xã hội. Quá trình này được ví như một cơn đau đẻ kéo dài, có nhiều khó khăn, phức tạp, cái mới và cái cũ đan xen. Cái mới chưa hoàn toàn được hình thành, cái cũ chưa hoàn toàn mất đi, thậm chí lấn án cái mới, các mâu thuẫn tồn tại trong giai đoạn này vừa đấu tranh triệt tiêu lẫn nhau, nhưng cũng vừa đấu tranh thúc đẩy nhau cùng phát triển. 
Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội không trải qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản, thực chất đó là không trải qua việc xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, còn những thành quả, giá trị con người tạo ra trong giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản như: toàn cầu hóa, khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, kinh tế thị trường sẽ là đòn bẩy cho phép chúng ta có thể đi tắt, đón đầu, để hoạch định chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Kề từ khi Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu đi vào thoái trào, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành cải tổ, cải cách, đổi mới nhằm xóa bỏ sự trì trệ của nền kinh tế, xác lập lại mối tương quan giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội.
Nhận thấy được vai trò quan trọng của sự phát triển lực lượng sản xuất đối với quan hệ sản xuất, Việt Nam đã tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước, kịp thời quyết định nhiều chủ trương, chính sách mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại; phá bỏ cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp, vận dụng kinh tế thị trường, làm cho mọi thành phần kinh tế, kể cả kinh tế tư bản, tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có điều kiện phát huy vai trò trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, lực lượng sản xuất ở Việt Nam phát triển không ngừng, sản xuất luôn mở rộng, của cải vật chất, hàng hóa trở nên dồi dào; từ “công xưởng” đã trở thành trung tâm tài chính, thương mại của khu vực và thế giới. Nhờ lực lượng sản xuất này đã tạo nên những quan hệ sản xuất mới, phù hợp trong thời kỳ quá độ; chế độ chính trị, các quan hệ thượng tầng kiến trúc được củng cố vững chắc; những tiền đề cho xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết là về sản xuất vật chất, phát triển kinh tế, làm cho lực lượng sản xuất phát triển không ngừng lớn mạnh. Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. 
Có thể khẳng định rằng với những gì Việt Nam đã, đang xây dựng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhất là thành quả sau 35 năm đổi mới đất nước đã cho thấy đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một tất yếu khách quan, là sự lựa chọn của lịch sử và là khát vọng của nhân dân ta. Quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song với việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo lý luận hình thái kinh tế xã hội của chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, chúng ta tin tưởng con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta nhất định thắng lợi./.
                  
 
 
[1] C.Mác và Ph. Angghen. Toàn tập, tập 4. Nxb CTQG, H, 1995, tr1987
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.23. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr21.
[3] V.Lênin. Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, : Những “người bạn dân” là thế nào, t.1, tr.163.

Tác giả bài viết: Ngô Ngọc Hân – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Thọ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thông tin thời tiết
Tinh Ha Tinh, VN
Thời tiết hôm nay 12:10 T5: mây đen u ám
mây đen u ám
22.88
°C
Độ ẩm: 97 %
Gió: 0.57 m/s
28/03
mây đen u ám
22.61°
22.88°
29/03
mưa nhẹ
22.31°
22.31°
30/03
bầu trời quang đãng
25.8°
25.8°
31/03
bầu trời quang đãng
27.29°
27.29°
01/04
bầu trời quang đãng
29.61°
29.61°
Tư liệu hình ảnh
hqdefault.jpg 10-1-Opt.jpg 106d0131401t700l4.jpg 106d3085500t82788l0.jpg anh-2-13-qmkk.jpg
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập124
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm116
  • Hôm nay22,097
  • Tháng hiện tại677,110
  • Tổng lượt truy cập14,141,350
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây