Vận động và tập thể dục thế nào để thoát khỏi tình trạng "mệt mỏi sau gắng sức" của hậu COVID-19?
Theo quyết định Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 (còn gọi là hậu COVID-19) do Bộ Y tế vừa ban hành ở trong nhà hoặc trong bệnh viện do mắc COVID-19 một thời gian dài làm giảm sức mạnh và sức bền của cơ.
Tập thể dục giúp cải thiện sức mạnh và sức bền của các cơ. Tuy nhiên, việc tập thể dục cần đảm bảo an toàn và cần được theo dõi cùng với các dấu hiệu mắc COVID-19 khác.
Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, đôi khi người sau mắc COVID-19 có cảm giác rất mệt hoặc các triệu chứng khác như kiểu "kiệt sức" hoặc "mệt lả" sau khi gắng sức dù rất ít. Khoa học gọi chứng này là "mệt mỏi sau gắng sức".
Triệu chứng này điển hình sẽ xuất hiện khoảng vài giờ sau khi gắng sức cả về thể chất và tinh thần. Bình thường cần 24 giờ trở lên để phục hồi cơ thể, phục hồi năng lượng, độ tập trung, giấc ngủ, trí nhớ.
Nếu sau mắc COVID-19 gặp tình trạng “mệt mỏi sau gắng sức”, “cựu F0” tránh tập thể dục hoặc các hoạt động gắng sức khiến rơi vào tình trạng mệt mỏi, mà chỉ cần đảm bảo đủ năng lượng.
Nếu không có hiện tượng mệt mỏi gắng sức, “cựu F0” có thể nâng cao các mức độ nặng của bài tập thể dục một cách từ từ. “Cựu F0” có thể dùng thang điểm đo lường mức độ mệt mỏi (Borg - CR 10) để tăng mức độ vận động của mình.
Thang này là công cụ khách quan để đánh giá mức độ nặng mà bạn cảm giác được khi tập, từ 0 (không gắng sức) tới 10 (gắng sức nhiều nhất).
Tùy người và tùy thời điểm mà cũng với cùng một hoạt động, điểm Borg - CR 10 có khác nhau. Ví dụ, với việc đi bộ, bạn có thể đánh giá 1 điểm (cực nhẹ) nhưng có người khác đánh giá 4 điểm (có chút gắng sức) hoặc ngay chính bạn vào một ngày khác bạn cũng có thể cho điểm khác.
Bạn sẽ viết những hoạt động hàng ngày của mình ra và đánh giá điểm Borg - CR 10 để theo dõi tình trạng của mình và hướng dẫn để mình tăng dần mức độ vận động của mình.
Bộ Y tế cũng lưu ý việc tập thể dục được chia thành các giai đoạn, mỗi giai đoạn, duy trì ít nhất 7 ngày trước khi chuyển qua giai đoạn khác với cường độ cao hơn. Nếu “cựu F0” thấy mệt mỏi nhiều sau khi tập thì phải giảm cường độ tập, chuyển giảm giai đoạn tập nhẹ nhàng hơn.
"Nếu bạn có các triệu chứng như đau ngực hoặc chóng mặt, nên dừng ngay lập tức và liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ" - Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ.
Còn hơn 1,26 triệu người mắc COVID-19 đang giám sát, điều trị
Theo Bộ Y tế, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.179 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (giảm 140 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 812 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.553 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.710.066 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.195 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.702.309 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.598.163), TP. Hồ Chí Minh (609.184), Nghệ An (484.158), Bắc Giang (387.516), Bình Dương (383.764).
Đến nay tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi: 9.405.908 ca . Hiện đang điều trị, giám sát 1.261.083 trường hợp, trong đó có 216 trường hợp nặng gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 171; Thở ô xy dòng cao HFNC: 27; Thở máy không xâm lấn: 4; Thở máy xâm lấn: 12; Thở ECMO: 2.
Theo Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh vẫn đang được cơ bản kiểm soát trên phạm vi cả nước, mấy ngày gần đây, cả nước ghi nhận trên 1.000 ca (số ca COVID-19 trong cộng đồng dưới 1.000 ca mỗi ngày) và rải rác 1, 2 ca tử vong mỗi ngày (có ngày không ghi nhận ca tử vong nào).
Tuy nhiên, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 527.857.379 ca, trong đó có tổng cộng 6.301.116 người tử vong. Các nước cũng ghi nhận trên 498 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 23 triệu ca và trên 39.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 23/5, thế giới có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 35 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế tăng trở lại. Trong 24 giờ qua, Triều Tiên tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 167.000 ca), trong khi Áo là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 252 ca. Theo thống kê của trang worldometers.info, tính hết ngày 23/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 42 ca tử vong. Trong ngày 23/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 4.000 ca) cao nhất khu vực, nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (29 ca). Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 75 tại Geneva (Thuỵ Sĩ), Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh tình trạng giảm xét nghiệm và giải trình tự gene, cho rằng điều này chứng tỏ thế giới đang phớt lờ sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Ông lưu ý rằng gần 1 tỷ người tại các quốc gia thu nhập thấp chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19. |
Nguồn tin: Theo SK&ĐS
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn