Ông Phan Hữu Tình ở thôn Khanh Thịnh, xã Xuân Viên nuôi dúi rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Mục sở thị” mô hình nuôi dúi của ông Phan Hữu Tình ở thôn Khang Thịnh, xã Xuân Viên, tôi thật sự ngỡ ngàng trước hàng trăm con dúi lớn nhỏ.
Từ bao đời nay, con dúi thường được nuôi ở vùng đồi núi nay ông Tình lại đưa về vùng đồng bằng ven biển Nghi Xuân để thử sức. Quyết định này không ngờ mang về thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Tình tâm sự: Trước đây, gia đình tôi sinh sống ở xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh. 2 vợ chồng làm công nhân cho Nhà máy Gạch ngói Kỳ Giang. Vào năm 2019, nhà máy không có việc làm, vợ chồng tôi quyết định về quê ở xã Xuân Viên sinh sống.
Mô hình nuôi dúi của ông Tình có diện tích hơn 200 m2 với hơn 300 con dúi.
Sau khi trở về quê, đồng ruộng không có, ông Tình loay hoay chưa biết làm gì để mưu sinh, lập nghiệp. Trăn trở mãi cuối cùng ông quyết định bỏ vốn đầu tư nuôi dúi rừng.
Tận dụng diện tích đất vườn, ông Tình bỏ ra hơn 600 triệu đồng xây dựng chuồng trại chừng 200 m2 và mua giống dúi về nuôi.
“Dù trước đây đã có ít kinh nghiệm nuôi dúi khi làm công nhân ở vùng miền núi Kỳ Anh, nhưng tôi vẫn lo vì đưa dúi về vùng đồng bằng khí hậu thay đổi nên dễ thất bại, trong khi 80 con dúi cái, 40 con dúi đực trị giá cả trăm triệu đồng” - ông Tình cho biết thêm.
Chuồng trại được ông đầu tư hệ thống làm mát.
Chuồng trại nuôi dúi được ông xây dựng khá kiên cố. Dúi là loài vật ưa tối nên ông phải che bớt ánh sáng, đồng thời lắp hệ thống làm mát để chống nóng.
Thức ăn của dúi chủ yếu cây tre, nứa, mía, cỏ voi...
Theo ông Tình, bước đầu nuôi dúi ở vùng đất Nghi Xuân không tránh được những rủi ro, một số con bị chết do mắc bệnh ngoài da, bệnh đường ruột… Mặc dù thức ăn của dúi khá đơn giản như: cây tre, nứa, mía, cỏ voi… nhưng ở vùng đất này có lúc khan hiếm.
Khi đàn dúi tăng lên, ông Tình phải đi xa để kiếm thức ăn cho chúng. Hiện tại ông cũng đã trồng được cỏ voi, sắn trong vườn để có nguồn thức ăn thường xuyên.
Dúi thương phẩm hiện tại được bán với giá 500.000 đồng/kg.
Đến thời điểm này, trại dúi của ông Tình đã có 200 con cái đến độ tuổi sinh sản và hơn 100 con dúi lớn nhỏ khác. Dúi thương phẩm phải nuôi từ 10 tháng trở lên, đạt 1,2 kg mới xuất chuồng, bán với giá 500 nghìn đồng/kg. Dúi giống loại nhỏ 2 – 3 lượng với giá 1,5 - 1 ,8 triệu đồng/ cặp; còn loại đã sinh sản từ 2 – 3 triệu đồng.
Tính ra từ bán dúi giống và dúi thương phẩm, mỗi năm trừ chi phí, ông Tình thu về hơn 300 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập mà nhiều người nông dân trong vùng đều mong ước.
Mỗi năm dúi sinh sản để 3 lứa, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Tình
Dúi là vật nuôi sinh sản khá dày, mỗi năm 3 lứa. Tuy nhiên, trong thời gian sinh sản nếu để nhiệt độ quá nóng dúi sẽ bỏ nuôi con. Bởi vậy, ông Tình luôn duy trì nhiệt độ trong chuồng dưới 300C để đàn dúi sinh sản và phát triển tốt.
Theo ông Tình, thị trường tiêu thụ dúi thương phẩm chủ yếu là các nhà hàng ở tỉnh Nghệ An và thành phố Hà Tĩnh. Riêng về dúi giống, ông Tình chỉ bán khi tìm hiểu chuồng trại của khách hàng đủ điều kiện, chứ không vì lợi nhuận mà bán đại trà.
Mô hình nuôi dúi rừng đầu tiên thành công trên vùng đất Nghi Xuân.
“Để mở rộng quy mô, tôi đang tiếp tục nhân đàn dúi sinh sản lên 300 con để tiếp tục tăng đàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường”- ông Tình cho biết thêm.
Ông Phan Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Viên cho rằng: Mô hình nuôi dúi của ông Phan Hữu Tình ở thôn Khang Thịnh thực sự mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, đầu ra ổn định. Đây là mô hình nuôi động vật rừng được cấp giấy phép thành công đầu tiên trên địa bàn huyện Nghi Xuân rất cần khuyến khích, nhân rộng và có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn