Ông Trần Đình Khương – Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã Thạch Sơn có 27 ha hồ nuôi tôm với 40 hộ nuôi, nhưng tất cả chỉ nuôi trong ao bạt trên cát, hay nuôi trong ao đất, duy nhất chỉ có anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Sông Hải là nuôi trong bể xi măng.
Anh Dũng là một người còn rất trẻ (sinh năm 1985), sau 15 năm đi lao động tại Thái Lan, tích lũy được ít vốn và kinh nghiệm trong việc kinh doanh dịch vụ ăn uống, năm 2017 hai vợ chồng anh đã trở về Việt Nam mở chuỗi nhà hàng (4 nhà hàng) ở huyện Lộc Hà và thành phố Hà Tĩnh. Được mấy năm làm ăn khá thuận lợi, đầu năm 2020, do bắt đầu thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt”, việc kiểm tra xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn được thực hiện mạnh, nên nhà hàng ít khách. Tiếp đến là đại dịch Covid – 19, nên việc kinh doanh nhà hàng thua lỗ, vợ chồng anh phải đóng cửa chuỗi cửa hàng. Bán được nhà hàng ở huyện Lộc Hà 3,5 tỷ đồng, vợ chồng anh quyết định chuyển đổi nghề làm ăn.
Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thăm mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Dũng
Thời gian lao động tại Thái Lan, anh đã thấy người dân ở đấy nuôi tôm trong bể xi măng. Nhận thấy xã còn khá nhiều đất trống ven sông Đò Điệm, con sông này thủy triều lên xuống, mỗi khi thủy triều lên, độ mặn của nước phù hợp với nuôi tôm, nên vợ chồng anh quyết định đầu tư nuôi tôm trong bể xi măng. Đầu năm 2022, gia đình anh làm thủ tục thuê 2000 m2 đất trống tại thôn Sông Hải xã Thạch Sơn, sau đó xây 4 bể và lắp đặt các thiết bị để nuôi tôm thẻ chân trắng, tổng đầu tư hết 2,6 tỷ đồng. Đến tháng 5 năm 2022 gia đình anh thả vụ giống đầu tiên (mua giống của Tập đoàn Việt – Úc). Vụ đầu tiên thành công, sau khi trừ chi phí, lãi được hơn 300 triệu đồng; vụ thứ 2 lãi được 500 triệu đồng, hiện nay đang chuẩn bị thu hoạch vụ thứ 3, dự kiễn lãi 700 triệu đồng.
Anh Dũng cho biết, ưu điểm của nuôi tôm trong bể xi măng là yên tâm, dễ quản lý được nguồn thức ăn và xử lý môi trường, có bạt che mưa, che nắng, chống cho tôm ít bị sốc khi bị nắng nóng, hoặc khi mưa (mưa mùa hè hay có cả a xít), dễ theo dõi tôm trong việc phòng và phát hiện bệnh; rửa, làm vệ sinh ao nuôi nhanh, không lo bị thủng như nuôi trong trải bạt. Anh cho biết, qua mấy vụ nuôi, anh không dùng thuốc kháng sinh mà chỉ dùng vi sinh và vôi.
Qua thành công từ 3 vụ nuôi, dự kiến thời gian tới gia đình anh sẽ thuê tiếp khu đất bên cạnh để mở rộng quy mô nuôi, tăng thu nhập cho gia đình và tạo ra sản phẩm sạch cho xã hội.