Sản xuất ngô ngọt liên kết theo chuỗi giá trị đang là hướng đi bền vững tại xã Sơn Tây
Thứ năm - 02/05/2024 06:04
Trong thời gian qua, lãnh đạo các cấp đã quan tâm, có các chính sách nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị, đặc biệt là Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND, 13/12/2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng NTM, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2020; đối với huyện Hương Sơn đã có nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn, như Nghị quyết 170/2020/NQ-HĐND, ngày 17/12/2020 của HĐND huyện có các chính sách như hỗ trợ trồng cây ăn quả, trồng chè công nghiệp, hỗ trợ tích tụ ruộng đất, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ… các chính sách đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, có sự bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đặc biệt gần đây, nhằm phát huy được hết lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, ngày 26/1/2024, UBND huyện Hương Sơn đã có Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc liên kết triển khai trồng và mua bán sản phẩm nông nghiệp giữa UBND huyện Hương Sơn và Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Biên bản hợp tác với mục đích: phát huy thế mạnh của hai bên để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Hương Sơn nhằm nâng cao giá trị, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, vật tư đầu vào, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chung của ngành; thu hút, huy động các nguồn lực nhằm phát triển theo đúng chủ trương, định hướng của huyện đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện Hương Sơn.
Hai bên cùng hợp tác tổ chức xây dựng vùng sản xuất, bao tiêu sản phẩm dứa Cayen, ngô ngọt, đậu tương từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo thoả thuận chung bằng hợp đồng giữa công ty với các tổ chức (gồm Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết....).Đây là cơ hội để việc liên kết theo chuỗi sản phẩm nông nghiệp ở huyện nhà phát triển, tạo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục được tình trang sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, được mùa mất giá.
Trong năm 2023, thực hiện Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội của Đảng ủy - HĐND xã, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau khi nắm bắt được chủ trương có Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Ninh Bình về việc mở rộng liên kết sản xuất ngô ngọt, UBND xã đã thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện; UBND xã phối hợp trung tâm ứng dụng KHKT&BVCTVN huyện tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các thôn; thành lập Tổ công tác phối hợp các thôn rà soát quỹ đất có khả năng phù hợp để trồng thí điểm cây ngô ngọt; sau khi rà soát đã lựa chọn được 3 vùng tại 3 thôn Cây Tắt, Bồng Phài và Hoàng Nam với tổng diện tích 3 ha đưa vào trồng cây ngô ngọt; sau khi cây ngô ngọt được gieo trỉa, Tổ công tác của UBND xã phối hợp Trung tâm ứng dụng KHKT&BVCT vật nuôi huyện thường xuyên trao đổi kỹ thuật, kiểm tra sâu bệnh, hướng dẫn tỉa bông phụ trên các ruộng ngô để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm.
Về năng suất, sản lượng mô hình tại xã Sơn Tây, nhìn bằng cảm quan thấy các ruộng ngô phát triển tốt, bắp đều, hạt bít đầu đạt tỷ lệ 100%, bình quân mỗi bông nặng 0,25 kg đến 0,45 kg; năng suất sản phẩm ước đạt 750 - 800 kg/sào; tổng sản lượng tính cho 1 sào 500 m2 là 800 kg ngô bắp; doanh thu dự ước cả bán bắp và cây đạt 4.140.000 đồng/sào; lợi nhuận ước tính 2.154.000 đồng/sào.Đánh giá chung về mô hình ngô ngọt trên địa bàn xã: cây ngô phát triển nhanh, khỏe mạnh, phù hợp với điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng của địa phương; các hộ trồng ngô cơ bản nắm chắc kỹ thuật trồng, chịu khó đầu tư nhân công và vật tư cho sản xuất ngô ngọt; cán bộ chuyên môn xã, huyện thường xuyên bám sát mô hình hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời; cây ngô ngọt chịu rét khá tốt so với cây ngô thường; năng suất sản lượng cây ngô đạt theo tiêu chuẩn và gấp 2 lần ngô lấy hạt của địa phương đang gieo trỉa; tận dụng được nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi sau khi thu hoạch bông; sản phẩm sau thu hoạch được Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao – Ninh Bình tiêu thụ nên người trồng ngô không phải lo lắng thị trường đầu ra, từ đó có khả năng nhân rộng trên địa bàn xã cũng như các xã lân cận.
Qua đây cho thấy cây ngô ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại hoa màu đang canh tác trên địa bàn xã và có sự liên kết ổn định. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Sơn Tây tiếp tục vận động hội viên nông dân nhân rộng mô hình.