Chúng tôi vượt hơn 10km đường đất đỏ, len lỏi trong lô cao su rồi đến “đại bản doanh” của ông Nguyễn Thành Viễn, chủ trang trại heo nuôi gia công cho Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Bình Phước tại ấp 5, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành.
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi đây là trang trại chăn nuôi rất quy mô nhưng được vận hành khép kín theo quy trình “lên men” chất thải chăn nuôi lấy điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho toàn bộ trang trại lên đến trên 2.000 con heo thương phẩm mà không hề có mùi hôi.
Đứng cạnh hệ thống hầm biogas đồ sộ, cùng hệ thống ống dẫn gas hiện đại đang đưa từng luồng khí biogas vào máy chuyển đổi thành điện phục vụ sản xuất cho toàn bộ trang trại, ông Viễn cho biết: Ban đầu ông chăn nuôi thủ công quy mô nhỏ. Năm 2016 cơ duyên biết đến Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam - Chi nhánh Bình Phước liên kết với người nông dân nuôi theo hình thức gia công, ông đã mạnh dạn đầu tư trang trại.
Tuy nhiên, khu nuôi gần như biệt lập bên ngoài, thiếu điện sản xuất là một trong những nỗi lo thường trực đối với các trang trại chăn nuôi công nghệ cao, tuần hoàn khép kín. Bởi khi cúp điện, hệ thống quạt, hệ thống làm mát, hệ thống cho ăn, uống tự động đều đình trệ, ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng, thậm chí chết heo. Chưa kể, công nghệ xử lý chất thải thời điểm đó còn lạc hậu, khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Qua thời gian tìm hiểu, ông Viễn quyết định bỏ vốn đầu tư gần nửa tỷ đồng để lắp đặt lại hệ thống hầm xử lý chất thải từ chăn nuôi heo và tạo khí biogas một cách triệt để, hiệu quả nhất. Theo đó, ông đào hố và lắp đặt túi khí lớn hơn, sâu hơn đồng thời đầu tư mua máy phát điện bằng khi gas, xây dựng lại hệ thống dẫn chất thải và lắp đặt hệ thống dẫn khí lớn hơn.
Từ khi lắp đặt hệ thống máy phát điện chạy bằng khí biogas, toàn bộ nguồn khí sản sinh được trong quá trình xử lý chất thải từ chăn nuôi heo đã được ông tận dụng triệt để. Với hệ thống điện này, ông Viễn lắp đặt trở lại để chiếu sáng, sưởi cho heo. Ngoài ra, ông còn dùng vào việc thắp sáng trang trại. Nhờ hệ thống điện biogas này mỗi tháng gia đình ông tiết kiệm gần 100 triệu đồng tiền điện.
“Điều làm tôi hài lòng nhất với hệ thống máy phát điện chạy bằng khí biogas này chính là giúp bảo vệ môi trường, không phải xả khí biogas dư như trước đây và hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng nguồn điện lưới quốc gia, trong bối cảnh hệ thống điện lưới luôn trong tình trạng quá tải và thiếu điện phục vụ nhu cầu của người dân như hiện nay”, ông Viễn nói.
Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, một trang trại nuôi 100 con lợn, một ngày đêm tiêu thụ ít nhất 100kWh điện, nếu sử dụng máy phát điện biogas chi phí cho tiền điện giảm đáng kể.
Ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, từ 2008, tỉnh Bình Phước đã quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại, phát triển liên kết chuỗi sản phẩm chăn nuôi an toàn, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ.
Hiện, tổng đàn heo của địa phương khoảng 2 triệu con, trong đó 80% trang trại quy mô lớn, 66% trang trại công nghệ cao. Tất cả các trang trại trước khi được cấp phép chăn nuôi đều được đánh giá tác động môi trường, đảm bảo có hầm biogas để chứa và xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc sử dụng khí thải chuyển hóa thành điện năng còn tương đối mới mẻ.
“Điện ở một số khu vực vùng sâu, xa của tỉnh vẫn còn yếu và thiếu, do vậy, việc sử dụng khí biogas chạy máy phát điện trong trang trại chủ động được nguồn điện trong chăn nuôi, giảm chí phí sản xuất, đảm bảo môi trường và hạn chế thấp nhất rủi ro. Hiện, ngành chăn nuôi địa phương đang khuyến khích các chủ trang trại, hộ chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ này, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững”, ông Trần Văn Phương nhấn mạnh.
Nguồn tin: nongnghiep.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn