Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong định hướng, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên
Thứ ba - 03/10/2023 22:46
Trong những năm qua, thị xã Kỳ Anh đã chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp ngày càng nhiều. Lĩnh vực trồng trọt thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, thay đổi cơ cấu cây trồng đa dạng phong phú; sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản tăng khá, khai thác tiềm năng lợi thế của vùng biển đã đầu tư đánh bắt, có nhiều cơ sở chế biến hải sản tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị. Tổng sản lượng lương thực đạt 7.596 tấn/năm; nuôi trồng thủy sản ước đạt sản lượng 8.669 tấn/năm. Phát triển nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng lợi thế, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Cùng với đó, công tác Hội và phong trào nông dân trên địa bàn thị xã đã có sự chuyển biến về nhiều mặt, đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong định hướng, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho hội viên, tích cực xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Hội Nông dân thị xã hiện có trên 13 nghìn hội viên sinh hoạt ở 11 cơ sở hội. Để khích lệ, động viên hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, những năm qua, Hội Nông dân các cấp trong thị xã đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, đầu tư vốn, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất chế biến và bảo quản nông sản; tổ chức cho hội viên đi thăm quan học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài địa bàn, từ đó vận dụng vào tình hình thực tế tại gia đình. Phối hợp tốt với các ngân hàng triển khai các hoạt động cho vay vốn giúp bà con mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay, có 4.754 thành viên vay vốn trên 146 tổ, dự án với tổng dư nợ trên 389 tỷ. Mặt khác, các cấp hội đã ký hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp thực hiện chương trình mua phân bón trả chậm cho bà con nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và cây trồng thu hút nhiều hội viên tham gia. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, Hội Nông dân thị xã đã chỉ đạo thực hiện tốt các dự án vận động, hỗ trợ hội viên tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, giúp nhau trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, từ đó tạo tiền đề để nhân rộng các mô hình. Đến nay, nhiều mô hình, dự án đã phát huy hiệu quả các hộ tham gia dự án sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao thu nhập cho gia đình, tiêu biểu như: mô hình Đào Xuân Anh chăn nuôi bò ở xã Kỳ Hoa, mô hình Nguyễn Huy Năm chăn nuôi bò ở Kỳ Trinh…
Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, hàng năm, Hội Nông dân trên địa bàn thị xã đã tổ chức phát động hội viên nông dân đăng ký hộ sản xuất kinh doanh giỏi gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhờ vậy, số lượng hội viên đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đều tăng, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, toàn thị xã có 8.045 hộ hội viên đăng ký tham gia phong trào và đã có 5.672 hộ đạt danh hiệu thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; vận động giúp đỡ được 22 hội viên nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhiều hội viên nông dân là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm OCOP như: hội viên Đặng Thị Luận, Nguyễn Thị Ninh và Hoàng Thị Kim với mô hình thu mua, chế biến thủy hải sản; hội viên Phạm Thị Thương Huyền với mô hình trồng nấm; hội viên Mai Thị Phương với mô hình chả cả thu, nuôi cá lồng bè của anh Phạm Khánh Tuấn với 5000 con cho thu nhập từ 400 đến 450 triệu đồng/năm.…mỗi mô hình cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng trên năm; giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương ổn định. Nhiều hộ mạnh dạn lập trang trại làm kinh tế, phát triển trồng rừng, nguyên liệu gắn với chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Nhiều hộ đã có mức thu nhập từ hàng trăm triệu đồng. Điển hình như hộ ông Lê Văn Hoa, Lê Văn Lãm (Kỳ Thịnh), hộ ông Cao Nhân, Nguyễn Văn Doãn (Kỳ Long), ông Hoàng Văn Kiệm, Phan Công Thi (Kỳ Hoa).
Các mô hình dân vận khéo do Hội Nông dân trực tiếp chỉ đạo cũng đạt được những kết quả tích cực như mô hình của Lê Văn Quỳnh làm vườn ươm mai cảnh ở phường Kỳ Thịnh, mô hình của Đặng Xuân Định nuôi cá leo ở phường Kỳ Long, bước đầu cho thu nhập ổn định cho các hội viên.
Bên cạnh các mô hình nông nghiệp, các cấp Hội Nông dân thị xã cũng tích cực tuyên truyền xây dựng các mô hình thương mại dịch vụ, tiêu biểu như mô hình của anh Trần Đình Dũng kinh doanh hàng đông lạnh, thủy hải sản với sản lượng 550 tấn trên năm cho thu nhập 5 tỷ trên năm, mô hình bà Dương Thị Quế: kinh doanh tổng hợp điện tử, điện lạnh; mô hình anh Nguyễn Đồng Hương kinh doanh các mặt hàng gia dụng điện nước, mặt hàng kim khí với thu nhập mỗi mô hình từ 400-500 triệu đồng trên năm.
Cùng với sự phát triển không ngừng của đô thị trẻ phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn đang thực sự là cầu nối, là nòng cốt trong việc giúp hội viên xây dựng các mô hình kinh tế. Không chỉ nâng cao đời sống cho hội viên, mà các phong trào của hội đã góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường; xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.