Vai trò của chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Thứ bảy - 30/09/2023 04:08
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các hoạt động sản xuất nông nghiệp, từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu thụ sản phẩm nhờ thông qua môi trường số.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp mang lại nhiều tác động tích cực, giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; nhờ chuyển đổi số mới có thể tự động hóa các quy trình sản xuất, giúp giảm thiểu chi phí, nhân công, tăng năng suất lao động; giúp kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, quy trình sản xuất, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp được ổn định, đồng đều. Bên cạnh đó, chuyển đổi số giúp nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận thông tin thị trường, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó sản xuất và cung ứng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của họ. Thông qua công nghệ số, môi trường số, người nông dân có thể quảng bá, bán hàng trực tuyến các sản phẩm nông nghiệp giúp nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn và nhanh chóng hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong xây dựng nông thôn mới, nhờ có chuyển đổi số mà chúng ta có thể ứng dụng các công nghệ mới vào khâu quản lý nhân khẩu, các mô hình phát triển kinh tế, vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, hàng rào xanh, phân loại xử lý rác thải… thông qua các thiết bị thông minh. Nhờ chuyển đổi số, các cấp chính quyền mới thực hiện được dịch vụ công trực tuyến và giúp người dân nông thôn dễ dàng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí,... Chuyển đổi số giúp người nông dân tiếp cận thông tin, kiến thức, công nghệ mới, kết nối với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, từ đó thuận lợi trong giao dịch, nâng cao trình độ dân trí, kỹ năng lao động, tạo cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Nhận thức sâu sắc về xu hướng phát triển, vai trò to lớn của chuyển đổi số đối với sự phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng như những khó khăn thách thức của người nông dân huyện nhà trong việc tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thời gian qua Hội Nông dân huyện Hương Sơn đã đẩy mạnh việc tuyên truyền chuyển đổi số trong cán bộ, hội viên nông dân và Nhân dân thông qua nhiều hình thức như tập huấn, hội thảo, phối hợp với các cơ quan như BHXH, Ngân hàng, Điện lực… cài đặt các phần mềm tiện ích. Hội đã chỉ đạo xây dựng chi hội nông dân số, thành lập các tổ tư vấn số với mong muốn giúp hội viên nông dân làm quen với môi trường số, tiếp cận thông tin, kiến thức khoa học, kỹ thuật, thị trường một cách nhanh chóng, hiệu quả từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất, kinh doanh. Thông qua môi trường số để kết nối nông dân với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng chi hội nông dân số còn giúp hội viên nông dân biết sống an toàn và trách nhiệm hơn trong môi trường số, biết tranh thủ cơ hội và tránh xa cạm bẫy, lừa lọc; biết ứng xử văn hoá hơn khi tương tác mạng xã hội. Hội Nông dân các cấp thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền, chia sẻ thông tin giúp nâng cao hiệu quả hoạt động Hội, đáp ứng nhu cầu của nông dân trong thời kỳ mới.
Để đẩy nhanh việc chuyển đổi số trên địa bàn huyện, đặc biệt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai cụ thể để cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ về vai trò của chuyển đối số trong sản xuất, kinh doanh, trong xây dựng nông thôn mới làm cho họ hiểu chuyển đổi số là phương thức để phát triển, là cơ hội để thoát nghèo và làm giàu bền vững.
Thứ hai, cần xem trọng công tác phát triển nguồn nhân lực: đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện chuyển đổi số. Tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người dân, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số của cơ quan nhà nước và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; đào tạo, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số, quản lý sản xuất và thực hiện chuyển đổi số cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Thứ ba, để chuyển đổi số thành công thì người nông dân cần phải có năng lực số nhưng hiện nay năng lực số của người nông dân nhìn chung rất hạn chế, nhằm giúp họ sử dụng được công nghệ số nên thực hiện thí điểm thành lập các tổ tư vấn số tại các “Ngôi nhà trí tuệ” và hỗ trợ người dân thực hiện giao dịch trực tuyến sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng.
Thứ tư, cấp ủy, chính quyền các cấp, các phòng, ngành chuyên môn phải luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân nhiều hơn, sát hơn và thiết thực hơn đối với chuyển đổi số, thúc đẩy đưa các sản phẩm của địa phương lên sàn thương mại điện tử nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân, trước hết là các sản phẩm OCOP.
Thứ năm, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có chính sách hoàn thiện hạ tầng số, trước mắt mở rộng hệ thống internet công cộng cho vùng nông thôn đặc biệt là vùng núi, địa bàn dân cư khó khăn, địa hình cách trở để tất cả mọi người dân đều được tiếp cận với công nghệ thông tin, bình đẳng với môi trường số. Tiếp cận và thực hiện linh hoạt các chính sách hiện hành của Trung ương, tỉnh, huyện đối với các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân mua sắm máy móc, thiết bị, đầu tư các phương án sản xuất tập trung có ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc nông sản.
Tóm lại, chuyển đổi số là một phương thức để phát triển là xu thế tất yếu của thời đại, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Để thực hiện thành công mục tiêu quan trọng này, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân cần có những kế hoạch cụ thể và bắt tay hành động ngay từ hôm nay, nhằm đẩy nhanh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra là phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.
Tác giả bài viết: Phan Văn Khanh - Chủ tịch HND huyện Hương Sơn