Lộc Hà là huyện vùng ven biển của tỉnh Hà Tĩnh, tổng diện tích đất tự nhiên 11.830,85ha, chiếm 1,96% diện tích toàn tỉnh. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 4.909ha. Dân số trên 82.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 75,5%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 93,8%. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,43%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 27,64%; xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 35,57%; thương mại, dịch vụ chiếm 36,79%; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,87 triệu đồng; 12/12 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM, đô thị văn minh (01 xã NTM nâng cao, 01 xã NTM kiểu mẫu, 38 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 91/92 thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn thôn, tổ dân phố văn hoá). Để góp phần cùng với huyện nhà trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trong tâm phong trào thi đua được Hội Nông dân huyện Lộc Hà triển khai thực hiện sâu rộng trong các cấp Hội.
Mô hình nấm Quang Trung, Bình An, Lộc Hà
Trong những năm qua Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến công tác Hội và phong trào nông dân, HĐND các cấp đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, như chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế; hỗ trợ giảm nghèo bền vững; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; chính sách tín dụng cho vay lãi suất ưu đãi giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh....
Mô hình nuôi tôm của hộ ông Trần Văn Ân, thị trấn Lộc Hà
Các cấp Hội trực tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân, tạo nguồn lực giúp đỡ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ có nhiều chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả, như chuyển đổi cây trồng, vật nuôi lợi thế; nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất chuồng trại, nhà màng, nhà lưới hàng tỷ đồng. Kinh tế trang trại, gia trại có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế của huyện nhà, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng tài nguyên. Cùng với đó, hội viên, nông dân tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tích cực tham gia đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và hưởng ứng, tham gia sản xuất.
Mô hình của hộ Lê Xuân Hùng, Mai Phụ, Lộc Hà
Kết quả giai đoạn 2018 - 2023, toàn huyện có 14.045 lượt hộ đạt hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, đã thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 4.500 lao động có thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng, trong đó một số hộ hộ sản xuất kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, thu nhập bình quân hằng năm đã trừ chi phí từ 500 – 800 triệu đồng/năm/hộ. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu trở thành những gương SXKD giỏi. Tiêu biểu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi có mô hình nuôi trồng tổng hợp của hộ anh Phan Anh Đức, xã Tân Lộc, với quy mô 2 ha (trong đó: Ao hồ nuôi cá + vịt 1.5 ha; chuồng nuôi bò 1.000m2; nhà kho 500m2; lò ấp trứng vịt 200m2 ; diện tích nhà ở, khác 1.500m2), doanh thu hằng năm 2,5 tỷ đồng, thu nhập 900 triệu đồng/năm; mô hình sản xuất các loại nấm tại (nấm thực phẩm, nấm dược liệu) của ông Lê Trọng Hải, xã Bình An với quy uy mô sản xuất tổng diện tích 3.500 m2 (trong đó: 2.000 m2 nhà sản xuất; còn lại 1.500 m2 diện tích nhà kho, sân bãi, lò hấp..); mô hình HTX nông nghiệp Hiền Tiến, xã Thạch Châu với quy mô 3000m2 (trong đó 1.200m2 nhà màng); mô hình sản xuất dưa lưới và rau sạch hữu cơ của hộ anh Nguyễn Tiến Hùng với quy mô 4000m2; lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản có hộ anh Trần Văn Ân, thị trấn Lộc Hà với tổng diện tích 10 ha, doanh thu hằng năm 10 tỷ đồng, thu nhập 3 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi trồng thủy sản của HTX Loan Hoan, xã Thạch Châu với quy mô 40 ha, doanh thu 6 tỷ đồng/ năm; mô hình nuôi trồng thủy sản của hộ ông Nguyễn Văn Việt, xã Mai Phụ; mô hình nuôi trồng thủy sản của hộ ông Trần Hữu Liên, thị trấn Lộc Hà; mô hình đánh bắt, khai thác thủy sản của các hộ Ngô Văn Ngọc, Nguyễn Văn Đao, Nguyễn Văn Nam tại xã Thạch Kim; lĩnh vực kinh doanh có hộ anh Lê Doãn Hoàn, xã Mai Phụ; mô hình kinh doanh dịch vụ ăn uống của hộ chị Phạm Thị Nhung, thị trấn Lộc Hà; mô hình kinh doanh tạp hóa, siêu thị tổng hợp của hộ anh Phan Hữu Tuất, xã Bình An; mô hinh thu mua, chế biến nông sản của hộ ông Nguyễn Trọng Dũng, xã Hồng Lộc; mô hình chế biến ruốc kem của các cơ sở chế biến Hương Xuân và Hải Phượng, xã Thạch Kim…
Mô hình của ông Hồ Sỹ Trường, Hồng Lộc, Lộc Hà
Cùng với phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, tinh thần tương thân, tương ái của hội viên, nông dân đã tích cực tương trợ, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, trong những năm qua các cấp Hội đã giúp 486 hộ thoát nghèo, trong đó có một số hộ đã vươn lên làm giàu. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp vận động hội viên đóng góp với số tiền hơn 370 triệu đồng và trên 400 ngày công hỗ trợ cho 08 hội viên nghèo làm nhà ở và phối hợp giúp đỡ 1.205 hộ nghèo về ngày công lao động, vốn, vật tư và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp vận động các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn ủng hộ, giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán với số 180 triệu đồng; vận động quyên góp ủng hộ cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được hơn 100 triệu đồng tiền mặt và 85 triệu đồng các mặt hàng gạo, rau, củ, quả và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác. Vận động hội viên giúp đỡ ủng hộ, đóng góp và kịp thời chia sẻ, cứu trợ các gia đình do ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. Vận động các cơ quan, đơn vị và người dân ủng hộ tiêu thụ 2,5 tấn hành tím giúp nông dân tỉnh sóc trăng; 200kg vải thiều Bắc Giang; 100kg ổi Cẩm Lạc, Cẩm Xuyên; 1.650 quả bưởi phúc trạch vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19.
Mô hình Chổi đót của hộ ông Lê Văn Dũng, Thạch Mỹ, Lộc Hà
Phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm, nòng cốt của tổ chức Hội trong phong trào nông dân và công cuộc vận động “xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn, góp phần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với thương hiệu sản phẩm và phát triển mạnh theo hướng kinh tế tập thể, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, vận động nông dân xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại góp phần xây dựng tổ chức Hội Nông dân và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.