Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ hội
Thứ tư - 27/09/2023 00:11
Hội Nông dân thành phố Hà Tĩnh có 15 cơ sở hội với hơn 10.500 hội viên, sinh hoạt tại 117 chi hội. Trong những năm qua, công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân được các cơ sở hội tập trung chỉ đạo với phương châm hướng mạnh về chi hội, tổ hội, coi việc xây dựng chi hôi, tổ hội là nền tảng để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Với quyết tâm củng cố và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai các đợt thi đua, các cuộc vận động, các hoạt động của Hội. Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, đa dạng hoá mô hình hoạt động, hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp hội viên, nông dân; mở rộng đối tượng kết nạp hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ hội. Đẩy mạnh xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc 5 cùng: “Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi”. Từ đó số lượng, chất lượng hội viên và hoạt động của chi, tổ hội, cơ sở hội ngày một hiệu quả hơn. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động được gần 1.300 hội viên mới vào tổ chức Hội, thành lập 16 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Đặc biệt, ngay sau khi Chỉ thị số 16/CT/Th.U ngày 18/06/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về tiếp tục thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh trong thời gian tới”được ban hành. Hội Nông dân thành phố Hà Tĩnh luôn xác định rõ việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động chi, tổ hội nông dân là một trong những nhiệm vụ cần thiết nhằm góp phần trong xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân vững mạnh. Các cấp Hội đã cụ thể hóa các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết đại hội hội nông dân các cấp; nhiệm vụ chính trị của địa phương, chương trình công tác Hội và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như thông qua các hội nghị, sinh hoạt chi hội, tổ hội, tổ vay vốn; qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua zalo, facebook; qua các hội thi, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao… để nhằm khích lệ hội viên, nông dân hăng hái tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và các phong trào thi đua yêu nước do tổ chức hội phát động.
Ngoài ra, các cấp Hội còn chỉ đạo các cơ sở hội định kỳ hàng quý phân công các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành về tham dự sinh hoạt tại các chi hội để nắm tình hình, hướng dẫn và chỉ đạo kịp thời những nhiệm vụ trọng tâm của hội cấp trên. Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội, chỉ đạo, hướng dẫn các chi hội tổ chức các cuộc sinh hoạt theo từng chuyên đề phù hợp với từng địa bàn. Hàng năm các cấp hội tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ chi hội về kỷ năng điều hành các cuộc họp tốt, hằng quý định hướng nội dung sinh hoạt; hướng dẫn các chi hội sắp xếp chương trình sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế tại chi hội. Thường xuyên kiện toàn, củng cố chi hội trưởng, chi hội phó; lựa chọn những người có năng lực, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm và đáp ứng được yêu cầu của công tác.
Tập huấn nghiệp vụ công tác hội năm 2022
Song song với công tác xây dựng tổ chức Hội, các cơ sở hội còn đẩy mạnh hoạt động lấy lợi ích kinh tế làm trọng tâm để tổ chức, tập hợp, vận động hội viên, nông dân thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Vận động tham gia tích tụ tập trung đất đai, mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị như mô hình sinh kế 3 trong 01 của HTX Liên Nhật xã Thạch Hạ là mô hình vừa sản xuất nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, dịch vụ ăn uống với diện tích 5ha, doanh thu 1,5 tỷ/năm giải quyết 15 – 20 lao động có việc làm thường xuyên, mô hình sản xuất rau củ quả công nghệ cao của HTX rau củ quả xã Thạch Hạ, mô hình trồng cây ăn quả theo hướng công nghệ cao của HTX Bình Minh xã Đồng Môn cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, giải quyết lao động từ 5 – 10 lao động cho thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/ tháng…..Với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong 5 năm qua các cấp Hội đã vận động thành lập được 13 HTX và 5 tổ hợp tác. Tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện tốt hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân. Đến thời điểm này tổng nguồn vốn do hội nông dân các cấp ủy thác tại ngân hàng CSXH đạt 160 tỷ đồng/1.970 hộ vay, nợ quá hạn thấp; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt dư nợ đạt 927 triệu/29 hộ vay; ngân hàng NN&PTNT đạt 19 tỷ/211 hộ vay; quỹ hỗ trợ nông dân 4.645 tỷ/84 hộ vay. Nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân và các ngân hàng đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo, nhiều hộ trở thành hộ khá, hộ giàu, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền, vận động hội viên cũng như nội dung, phương thức sinh hoạt chưa được đổi mới, sáng tạo; Việc tổ chức sinh hoạt chưa đúng định kỳ, chưa có nhiều cuộc sinh hoạt chuyên đề sát với tình hình thực tế của từng chi hội để thu hút hội viên tham gia sinh hoạt, số lượng hội viên tham gia sinh hoạt đạt tỷ lệ thấp; một số cơ sở hội chưa phát huy được vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của mình, chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân; Đội ngũ cán bộ cấp chi hội tuổi cao, trình độ năng lực của một số đồng chí còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoạt động công tác hội trong giai đoạn mới; Cán bộ hội biến động thường xuyên; chế độ phụ cấp cho cấp phó, ủy viên ban thường vụ hội cơ sở, chi hội trưởng chưa tương xứng với nhiệm vụ công việc hiện nay nên chưa động viên khích lệ để cán bộ hội yên tâm thực hiện nhiệm vụ được giao; tỷ lệ hội viên cao tuổi chiếm cao nên gặp khó khăn trong việc tham gia các hoạt động do hội phát động.
Ra mắt tổ hội nghề nghiệp
Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, trong thời gian tới, hội nông dân các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động của Hội hướng về chi hội, thường xuyên sâu sát hội viên nông dân, được nông dân tin cậy; giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân. Trong đó, tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, tập hợp, vận động nông dân bằng việc tổ chức các cuộc sinh hoạt, hội họp mà lựa chọn các phương pháp tuyên truyền thông qua tính hiệu quả của các mô hình, gương điển hình tiêu biểu để nhân rộng. Từ đó phát huy giá trị cốt lõi, khơi dậy ý chí khát vọng vươn lên, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của hội viên trong phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Hai là: Đội ngũ cán bộ Hội các cấp thường xuyên nâng cao trình độ, phẩm chất, đạo đức tốt, nắm vững chính sách, am hiểu về kiến thức nhà nông và đồng thời phải có năng lực tư duy, năng lực tổ chức thực hiện, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, tâm huyết vì hội viên nông dân; chủ động tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền và tranh thủ phối hợp các ngành liên quan để nhằm huy động mọi nguồn lực hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động và thực hiện các phong trào thi đua.
Ba là: Nâng cao chất lượng các cuộc sinh hoạt chi hội, có thể sinh hoạt tại các mô hình điển hình trong sản xuất, kinh doanh để hội viên học tập kinh nghiệm và chia sẽ khó khăn trong sản xuất. Trong sinh hoạt cần phải bám sát chương trình công tác của Hội các cấp và nhiệm vụ chính trị địa phương, cần tạo không khí vui tươi phấn khởi, phát huy tính dân chủ và sáng tạo của hội viên. Mỗi cuộc sinh hoạt nên tập trung vào một số việc cụ thể, thiết thực, tránh chung chung, hình thức. Quan tâm và tổ chức một số buổi sinh hoạt theo chuyên đề: tổ chức cho hội viên nông dân, chi hội học tập kinh nghiệm hoạt động, mô hình phát triển kinh tế ngay tại địa phương; phối hợp các ngành liên quan chuyển tải các cơ chế chính sách mới hay mời cán bộ khoa học kỹ thuật đến tập huấn khoa học, kỹ thuật cho hội viên nông dân; sinh hoạt nhân dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của quê hương, đất nước và của hội.
Bốn là: Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào hoạt động, góp phần nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa rộng trong phong trào hoạt động hội nông dân tại địa phương.
Trao sổ BHXH tự nguyện cho người tham gia
Việc đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ hội sẽ là động lực thu hút các hội viên nông dân tích cực tham gia sinh hoạt đều hơn, chất lượng hơn. Từ đó tạo sức lan tỏa trong cán bộ, hội viên nông dân tại chi, tổ hội, đồng thời nâng cao được nhận thức và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.