Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn vùng Trà Sơn huyện Can Lộc đã áp dụng mô hình nuôi ong mật, bước đầu đem lại hiệu quả, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế. Qua đó, tạo thêm nguồn thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Gia đình anh Nguyễn Huy Khương, thôn Thanh Mỹ xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc nuôi ong lấy mật hàng chục năm nay, ban đầu chỉ nuôi phục vụ nhu cầu trong gia đình, đến nay gia đình anh đã có hàng trăm tổ ong vừa bán ong giống, vừa lấy mật. Nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với lợi thế đồi núi có nhiều loài hoa nở quanh năm, sản phẩm mật ong của gia đình anh Khương có màu vàng tươi, mùi thơm và vị thanh ngọt, với giá bán 250 ngàn đồng/1lít nên khai thác đến đâu tiêu thụ đến đó, thu hàng trăm triệu đồng/năm từ việc bán mật và các đàn ong. Nghề nuôi ong ở Thượng Lộc đã có từ rất lâu, với quy mô nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình, nhưng những năm gần đây người dân mạnh dạn chuyển hướng phát triển thành sản phẩm hàng hóa, mang lại thu nhập khá cao. Hiện toàn xã có khoảng 300 hộ nuôi, hàng năm khai thác sản lượng mật khá lớn cung cấp trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình tại địa phương. Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm trong việc nuôi ong, nhiều hộ dân còn tách đàn để bán cho bà con trong xã và các vùng lân cận.
Xác định mật ong là một trong những sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế, cần củng cố thương hiệu ngày càng vững mạnh, phải liên kết lại, người nuôi sẽ hỗ trợ nhau về con giống, khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là cùng nhau cam kết thực hiện các quy định về quy trình nuôi và thu hoạch, mở rộng quy mô, đưa ra các định hướng trong sản xuất, nhằm tăng tổng đàn, nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Cuối năm 2021, trên tinh thần tự nguyện, anh Nguyễn Văn Kiên, thôn Khe Giao xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc đã cùng một số hộ nông dân trên địa bàn thành lập Hợp tác xã Nông lâm nghiệp dịch vụ Tâm An, kết nối người dân cùng làm nghề, mở rộng quy mô nuôi ong, nâng cao giá trị sản phẩm, cùng nhau xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm mật ong. Bên cạnh khai thác sản lượng mật của các thành viên hợp tác xã, anh Kiên còn thu mua mật ong cho bà con nhân dân trong xã và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Phong trào nuôi ong lấy mật ở xã Sơn Lộc xuất phát ban đầu từ một vài hộ dân với quy mô nhỏ lẻ, về sau thấy các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều người dân đã đầu tư nuôi ong với số lượng lớn. Hiện nay trên địa bàn xã Sơn Lộc có khoảng trên 100 hộ dân nuôi ong lấy mật, tập trung tại các thôn: Khe Giao, Khánh Sơn với hàng trăm đàn ong. Với nhiều người dân ở nơi đây, ngoài nguồn thu chính là từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nghề nuôi ong dù là nghề phụ nhưng mang lại hiệu quả tốt. Thực tế cho thấy, lợi thế về nguồn hoa dồi dào, phong phú từ những cánh rừng keo, tràm, cây ăn trái... đã tạo cơ hội để đàn ong ở vùng Trà sơn Can Lộc phát triển và cho mật màu vàng óng. Mật ong ở các địa phương vùng Trà sơn, huyện Can lộc dẻo quánh, không ngọt gắt như các loại mật khác, không bị ngả màu hay đóng đường nên được khách hàng tin tưởng sử dụng. Tập trung nhiều vẫn là các xã: Gia Hanh, Sơn Lộc, Thượng Lộc, Mỹ Lộc, Đồng Lộc... Từ chỗ nuôi với quy mô nhỏ, nguồn thu nhập đáng kể từ mật ong đã giúp người dân mạnh dạn chuyển hướng phát triển thành sản phẩm hàng hóa, mang lại thu nhập khá cao.
Theo bà con nông dân các vùng trà sơn huyện Can Lộc, nghề nuôi ong không cần đầu tư nhiều vốn và công sức mà chỉ cần nắm được kỹ thuật, tập tính của ong để chăm sóc, quản lý, nhất là đối với việc phân tách mỗi khi đàn ong quá đông. Bên cạnh đó, ong có đặc tính tổ chức bầy đàn rất cao và nhạy cảm với các tác động của ngoại cảnh như: thời tiết, ánh sáng và nhiệt độ. Vì vậy, người nuôi phải nắm bắt được các đặc tính cơ bản của ong, có các biện pháp thích hợp trong việc chống rét, chống nóng, thường xuyên vệ sinh thùng đảm bảo khô ráo và sạch sẽ. Có như vậy, đàn ong mới khoẻ mạnh và cho năng suất mật cao, chất lượng. Để giúp người dân tăng thu nhập từ nghề nuôi ong lấy mật và bảo đảm tính bền vững, trong những năm qua, Hội nông dân huyện Can Lộc phối hợp với các ngành chuyên môn hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi, đồng thời hình thành các HTX hoạt động hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định đầu ra.
Mặc dù đây không phải nghề mới xuất hiện trên địa bàn nhưng những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật đang trở thành hướng phát triển kinh tế cho người dân, cho thấy được hiệu quả thiết thực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, giúp nhiều hộ dân bước đầu định hình được hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp. Với điều kiện thuận lợi về tự nhiên, tin rằng nghề nuôi ong các xã vùng Trà sơn huyện Can Lộc sẽ là hướng đi đúng để người dân xóa đói giảm nghèo bền vững./.