Sơn Bằng là một xã miền núi nằm về phía Đông của huyện Hương Sơn. Tổng diện tích đất tự nhiên là 584,83 ha, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp là 385,88 ha; đất phi nông nghiệp 173,84 ha; đất chưa sử dụng là 23,05 ha. Xã có dạng địa hình thung lũng ven sông, vị trí địa lý không thuận lợi, thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra nên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kinh tế địa phương. Kinh tế thuần nông chiếm trên 60%, chủ yếu các hộ sản xuất nông nghiệp lúa, lạc, ngô và chăn nuôi nông hộ. Là xã sản xuất nông nghiệp với diện tích sản xuất lúa mỗi năm 220 ha; diện tích sản xuất màu 180 ha, người dân phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để bảo vệ cây trồng khỏi những sự phá hại của sâu bệnh, dịch bệnh. Theo số liệu thống kê mỗi năm ít nhất lượng rác thải từ thuốc BVTV là 4 tấn. Thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật ở một giới hạn nhất định cũng mang đến cho nền nông nghiệp nhiều lợi ích, phòng trừ được sâu bệnh, dịch bệnh, đem lại năng suất cao cho cây trồng, nông dân phấn khởi khi mùa màng bội thu. Nhưng lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật lại là mối nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người như làm ô nhiễm môi trường đất, nước, tiêu diệt các vi sinh vật có ích, gây ra nhiều dịch bệnh, đe dọa sức khỏe con người… Mặc dù vậy nhưng con người lại không ý thức được mức độ nguy hại này, mà sử dụng xong thuốc trừ sâu, bao bì, chai lọ đựng thuốc vứt bừa bãi trên đồng ruộng, lượng thuốc dư thừa sau khi sử dụng được đổ trực tiếp vào nguồn nước, ven đường, ao hồ. Qua tìm hiểu, có các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm rác thải BVTV ở địa phương như: Thứ nhất: bên cạnh một số bà con nông dân có ý thức thu gom rác thải BVTV sau khi phun thuốc cho lúa và hoa màu bỏ đúng nơi quy định, còn không ít người dân tiện đâu vứt đó. Thứ hai: ngoài ý thức của người dân, còn do thiếu hố rác đựng rác thải BVTV tại các cánh đồng. Năm 2022 toàn xã Sơn Bằng có 5 điểm thu gom rác thải BVTV ở các cánh đồng của 5 thôn, trong khi mỗi thôn đều có 6 - 8 cánh đồng với diện tích lớn. Các cánh đồng cách xa hố thu gom rác thải BVTV, nên người dân không thuận tiện bỏ vào hố theo quy định.Thứ ba: do không tổ chức thu gom thường xuyên. Hàng năm có rất nhiều đợt phun phòng sâu bệnh, dịch bệnh cho lúa, màu nhưng không tổ chức thu gom thường xuyên kịp thời dẫn đến tình trạng quá tải.Thứ tư: địa phương chưa có kinh phí để xây dựng bể chứa rác thải, chưa có mô hình, quản lý, thu gom, địa điểm tập kết, vận chuyển và công nghệ xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Sau nhiều lần kiểm tra, nhận thấy ô nhiễm môi trường từ rác thải BVTV ngày càng trầm trọng, người dân vứt rác khắp các cánh đồng, các tuyến mương, nơi lấy nước để hoà thuốc, mùi hôi bốc lên khắp các cánh đồng, làm mất đi không khí trong lành. Vì thế Hội Nông dân xã Sơn Bằng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn an toàn đồng ruộng để hạn chế, kiểm soát lượng rác thải độc hại. Hàng năm, Hội Nông dân xã tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền cho bà con, hội viên, chỉ đạo các chi hội thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức như thông báo trên hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, tổ chức các lớp tuyên truyền hoặc lồng ghép các cuộc sinh hoạt quý, sơ kết, tổng kết để tất cả người dân sản xuất nông nghiệp có ý thức bảo vệ môi trường đồng ruộng, bỏ rác thải BVTV vào các thùng đựng theo quy định.Xây dựng hố thu gom rác thải BVTV, phải có nắp đậy, có khe bỏ rác tại các cánh đồng để bà con thu gom và bỏ vào các hố chứa. Mỗi cánh đồng xây dựng 6 hố thu gom rác thải bảo vệ thực vật, tương đương mỗi chi hội phụ trách 6 hố chứa rác thải bảo vệ thực vật, thực hiện thu gom thường xuyên không để quá tải. Để thực hiện được giải pháp này, Hội Nông dân xã đã chỉ đạo các chi hội đi khảo sát, tận dụng các ống cống, ông giếng của người dân không sử dụng; đề xuất UBND xã hỗ trợ kinh phí; các nguồn xã hội hoá của các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã, nguồn đóng góp của các hộ dân sản xuất trên các vùng ruộng….Sau 1 năm triển khai thực hiện, Hội Nông dân xã đã tổ chức lắp đặt được 21 hố đựng rác thải BVTV tại các cánh đồng và các vùng đất màu của 5 thôn; đã hạn chế tình trạng rác thải BVTV sau sử dụng bị bỏ bừa bãi trên đồng ruộng, dọc các ao, hồ, mương nước hoặc các tuyến đường, làm thay đổi được nhận thức của người dân, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường; tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn bền vững; cải thiện môi trường nông thôn, góp phần xây dựng và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.