Để đồng hành, tiếp sức cho nông dân an tâm bước vào vụ gieo trồng mới Hè Thu 2024, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân các cấp trên địa bàn toàn tỉnh triển khai chương trình phân bón trả chậm cho nông dân. Trung tâm dự kiến giao hơn 400 tấn phân bón đến nông dân để sản xuất vụ Hè Thu 2024.
Trong những năm gần đây, tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Công tác quản lý trong lĩnh vực phân bón của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương chưa đồng bộ, thiếu nhân sự nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra. Người nông dân vốn thật thà, chất phác nên quá trình mua bán, sử dụng phân bón đôi lúc chưa quan tâm nhiều đến các yếu tố nhận biết thật, giả trên thị trường hiện nay, dẫn đến mua và sử dụng những dòng phân bón chất lượng thấp, làm giảm năng suất cây trồng, hiệu quả đầu tư trên 1 đơn vị diện tích chưa cao. Vì thế, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với các ban ngành liên quan đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, quan tâm công tác đào tạo nghề, gắn với phát triển các mô hình sản xuất, mô hình trình diễn, tích cực tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vật tư, phân bón, kết nối tiêu thụ nông sản…
Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp phân bón có uy tín trên cả nước như Công ty phân bón Lâm Thao, phân bón Văn Điển, phân bón Bình Điền triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân. Qua các vụ sản xuất đã được bà con nông dân và chính quyền địa phương đánh giá cao về chất lượng, và cách thức triển khai thực hiện, từ công tác tập huấn kỹ thuật đến xây dựng các mô hình trình diễn, cung ứng tận thôn xóm, giúp nông dân mua được phân bón chất lượng, tránh tình trạng phân giả, “tiền mất tật mang” Nhiều hội viên nông dân đã chia sẻ ngay tại các lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón do Trung tâm tổ chức: “Hàng năm chi phí phân bón là một khoản tiền tương đối lớn với người nông dân, chưa kể các chi phí khác như giống, thuốc BTVT, thuê máy cày bừa, gặt, vận chuyển…., trong khi nông dân chỉ dựa vào thu nhập từ mấy sào lúa. Nông dân chúng tôi rất vui khi được hỗ trợ phân bón trả chậm. Chất lượng phân bón tốt, lại được trả chậm, giúp khắc phục được khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, nên nông dân đăng ký tham gia rất nhiều”. Ông Biện Văn Quảng – Trưởng phòng Dịch vụ Hỗ trợ nông dân (Trung tâm Hỗ trợ nông dân) cho biết: “Mặc dù thời gian qua, giá cả phân bón đã có dấu hiệu ổn định trở lại, tuy nhiên vấn nạn phân giả, phân kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường. Với mong muốn hỗ trợ người dân, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu phân bón cho nông dân, chúng tôi đã nỗ lực làm việc với các nhà sản xuất, các doanh nghiệp phân bón có uy tín trên thị trường cung ứng để đảm bảo đủ số lượng, chất lượng theo đăng ký từ các địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nhằm hướng dẫn bà con sử dụng phân bón đúng cách, đúng liều lượng, tránh lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường.Phân bón cung ứng cho nông dân đảm bảo chất lượng, đúng trọng lượng, giá bằng thị trường, nhưng được trả chậm linh hoạt từ 6 tháng kể từ ngày nhận phân bón, nông dân rất phấn khởi. Dự kiến vụ hè thu 2024, chúng tôi sẽ giao kịp thời tới người dân trên 400 tấn phân bón các loại để người dân phục vụ sản xuất, nhà sản xuất cam kết, chịu trách nhiệm về chất lượng phân bón. Trung tâm, Hội Nông dân các huyện đứng ra ký kết bảo lãnh để nông dân mua phân bón trả chậm. Sau khi thu hoạch, Hội Nông dân các xã có trách nhiệm thu tiền phân bón hoàn trả lại cho doanh nghiệp. Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh – Phan Văn Hùng: “Chương trình có ý nghĩa thiết thực, phát huy vai trò cầu nối của Hội hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Chương trình cũng góp phần ổn định giá cả phân bón, chất lượng phân bón được cam kết, sản phẩm có logo, thương hiệu độc quyền. Nhờ vậy mà nông dân yên tâm sản xuất, số hộ nông dân, số xã tham gia chương trình ngày càng tăng. Để chương trình thực hiện ngày càng hiệu quả, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của chương trình để nông dân nắm được và chủ động tham gia”.